Bảo đảm xây dựng chính sách, pháp luật khách quan, chất lượng, không lợi ích cục bộ
Với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, quyết liệt, khẩn trương, tích cực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nỗ lực cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và các ngành các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội và sự giám sát của Nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, củng cố niềm tin cho Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, những tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm. Một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng chậm được thể chế hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũngcho biết, việc rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế- xã hội và phòng chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời. Cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực thi pháp luật nói chung và thực thi các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng, chống tiêu cực nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là những tiền đề quan trọng, liên quan mật thiết đến hành vi tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó có chủ trương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Quan tâm đến vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế - là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cùng một số chuyên gia cho rằng, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật bản chất là một quy trình khoa học, được thiết kế và xây dựng để đảm bảo sự giám sát giữa tất cả các chủ thể tham gia, từ chủ thể đề xuất, cho đến chủ thể xây dựng, chủ thể thẩm định, thẩm tra, giám sát, thông qua, đảm bảo sản phẩm đầu ra được xây dựng với chất lượng tốt nhất.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cùng một số đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, có chất lượng. Xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan, tổ chức hữu quan và có sự tiếp thu hoặc giải trình nghiêm túc các ý kiến này. Hồ sơ dự án phải được gửi tới Quốc hội đúng thời hạn. Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật. Mỗi dự án luật trước khi trình sang Quốc hội phải được thẩm định kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phải được Chính phủ dành thời gian thỏa đáng thảo luận kỹ về các nội dung của từng dự án, nhất là những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau, qua đó không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng để tham nhũng. Trong xây dựng chính sách, phải đổi mới, thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia thẩm tra. Các cơ quan này cần phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là về số lượng thành viên hoạt động chuyên trách; tăng cường vai trò, trách nhiệm của thường trực các cơ quan này trong công tác thẩm tra, nhất là các bước thẩm tra sơ bộ trước khi thẩm tra chính thức. Hoạt động thẩm tra cần công khai, huy động sự tham gia của các ĐBQH quan tâm đến dự án, sự theo dõi của báo chí, tổ chức xã hội, của nhân dân, qua đó giám sát hoạt động thẩm tra, bảo đảm hoạt động này diễn ra minh bạch, khách quan. Mỗi ủy ban phải chịu trách nhiệm “gác cổng”, “kiểm soát” về các chính sách thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách. Hoạt động xem xét, thông qua luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến tới phải dựa chủ yếu vào ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Chất lượng của việc xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội cũng cần phải được tiếp tục tăng cường. Đảng đoàn Quốc hội thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về các nội dung lớn của dự án luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nên cần phải coi kết quả hoạt động xây dựng pháp luật, chất lượng luật được xem xét, thông qua là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần nâng cao đạo đức, giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên, để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng từ hoạch định chính sách.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp, bảo đảm hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong việc xem xét, quyết định các chính sách. Tăng cường bộ máy giúp việc của Quốc hội, có cơ chế để huy động các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia vào việc phản biện, tư vấn, đóng góp ý kiến cho hoạt động thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý luật.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng cần tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật như: Hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của báo chí và nhân dân; nghiên cứu xây dựng pháp luật về vận động hành lang nhằm bảo đảm cơ hội tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe giữa công chúng với quan chức, đồng thời minh bạch, kiểm soát tính hợp pháp của các hoạt động này. Tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm thực hiện tốt cơ chế bảo hiến./.