THỰC TIỄN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐANG ĐẶT RA YÊU CẦU PHẢI KHẨN TRƯƠNG ĐỒNG BỘ HOÁ

09/08/2022

Tại Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”, TS.Nguyễn Cao Thịnh cho rằng, thực trạng đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường vùng DTTS&MN đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nghèo nhất, cơ sở hạ tầng kém nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, văn hoá mai một… Do đó, thực tiễn chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cần phải nhanh chóng đồng bộ hoá.

Tham vấn xây dựng Đề án về nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật

 

Toàn cảnh Hội thảo

Thực trạng chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành

Trình bày về thực trạng chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành, TS.Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban Dân tộc cho biết, Từ năm 2011 đến nay, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc được thể hiện rất cơ bản trong Nghị quyết các kỳ Đại hội, bên cạnh đó còn có Kết luận số 65KL/TW, ngày 30/10/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng nêu trên, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 (06 Điều, gồm các Điều 5, 42, 58, 61, 70, 75), cùng hệ thống luật (trên 100 luật với khoảng gần 300 điều) và nhiều nghị quyết (28 nghị quyết, trong đó có 5 nghị quyết của UBTVQH, đặc biệt trong thời gian gần đây, Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 88/2014/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2020; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng nêu trên, chính sách pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản có liên quan (557 văn bản: 358 văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 199 văn bản thẩm quyền của cấp bộ).

Do đó, TS. Nguyễn Cao Thịnh nhận thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về công tác dân tộc đa dạng về chủ thể ban hành; đa dạng về mục tiêu, nội dung, lĩnh vực; đa dạng về hình thức văn bản; đa dạng về đối tượng chính sách; đa dạng về các cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện chính sách và đa dạng về thời điểm, thời gian thực hiện…

Sự cần thiết đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013

Đề cập đến sự cần thiết đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, TS. Nguyễn Cao Thịnh cho biết, đồng bộ có thể được hiểu là có sự ăn khớp giữa tất cả bộ phận, các khâu tạo nên sự hoạt động nhịp nhàng của một chỉnh thể (Việt Nam). Đồng bộ hóa được hiểu là sự phối hợp của các sự kiện để vận hành một hệ thống cùng một lúc… Từ các cách hiểu trên, TS. Nguyễn Cao Thịnh nêu rõ, có thể tạm thời đi đến quan niệm: Đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật là sự phối hợp, kết hợp giữa tất cả các thành tố để vận hành hệ thống chính sách dân tộc một cách ăn khớp, trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định được đặt trong một chỉnh thể. Đồng bộ không chỉ ở hình thức, nội dung chính sách, pháp luật mà phải bao gồm cả yếu tố con người tham gia vào hệ thống đó.

TS.Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban Dân tộc

TS.Nguyễn Cao Thịnh nhấn mạnh, đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật là rất cần thiết, xuất phát từ những cơ sở sau đây:

Thứ nhất, đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 là dựa trên nền tảng lý luận, manh tính tất yếu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các quốc gia.

TS Nguyễn Cao Thịnh cho rằng, đồng bộ chính sách nói chung và chính sách dân tộc nói riêng cần phải chú ý đến các chiều cạnh: đồng bộ giữa thực tiễn và chính sách pháp luật; đồng bộ giữa tên gọi, mục tiêu, nội dung chính sách và điều kiện thực hiện chính sách; đồng bộ về thời gian triển khai thực hiện chính sách; đồng bộ về các hình thức chính sách; đồng bộ về về thẩm quyền ban hành chính sách và loại hình chính sách; đồng bộ về quy trình và các bước của quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện; đồng bộ về không gian, thời gian, đối tượng; đồng bộ về nhận thức và hành động chính sách; đồng bộ phải đi cùng với việc thông nhất, hợp, hiệu quả… Đồng bộ cần phải đáp ứng yêu cầu không trùng lặp, không chồng chéo, không mâu thuẫn cả về nội dung và hình thức giữa các văn bản, luôn đặt chính sách trong một hệ thống với vai trò, vị trí riêng do các cơ quan khác nhau về thẩm quyền, chức năng; do vậy cần bảo đảm về thứ bậc trong ban hành; cấp dưới thì phải dựa trên chỉ đạo của cấp trên, nhất quán với cấp trên.

Thứ hai, đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu, nhiệm vụ phải thực hiện nhằm triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.

Tại Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng năm 2020 “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”. Theo TS. Nguyễn Cao Thịnh, yêu cầu này tiếp tục được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Theo đó, các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của văn bản.

Thứ ba, thực tiễn chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cần phải nhanh chóng đồng bộ hoá.

TS.Nguyễn Cao Thịnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chính sách dân tộc hiện nay như thực trạng đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường vùng DTTS&MN đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (nghèo nhất, cơ sở hạ tầng kém nhất; nguồn nhân lực thấp nhất, văn hoá mai một, đứt gãy; đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, môi trường suy thoái...). Các vấn đề này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, chính sách pháp luật để giải quyết các vấn đề trên cần phải đồng thời đa mục tiêu, đa lĩnh vực, dẫn đến yêu cầu đồng bộ là bắt buộc, nếu không đồng bộ thì khó tạo ra động lực tốt nhất để phát triển. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc chúng ta chưa tính toán kỹ điều này. Mới đây sự ra đời của Nghị quyết số 88 đã phần nào khắc phục được điều đó, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề đặt ra.

Thực tế chính sách dân tộc ở Việt Nam hiện nay được hình thành qua các chủ thể, với các tầng bậc khác nhau, con người khác nhau trong hệ thống chính trị. TS.Nguyễn Cao Thịnh cho biết, đầu tiên, cơ sở của chính sách dân tộc được xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng, sau đó Nhà nước (Quốc hội) sẽ thể chế hoá thành Hiến pháp, pháp luật, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ triển khai thành các chính sách cụ thể liên quan đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc; rồi các bộ, ngành, chính quyền địa phương sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trong mỗi chủ thể lại có các bộ phận, các khâu liên quan khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ… Tình trạng nhận thức khác nhau, hành động chính sách khác nhau đã xảy ra. Do vậy, TS. Nguyễn Cao Thịnh đề nghị cần phải có quy định đảm bảo sự đồng bộ, ăn khớp, chặt chẽ một cách thống nhất. Cần phải có sự kết hợp, phối hợp giữa tất cả các chủ thể để có thể xây dựng vận hành hệ thống chính sách dân tộc một cách thống nhất ăn khớp, trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định… có nghĩa là cần phải được đồng bộ hóa.

TS.Nguyễn Cao Thịnh cũng nêu rõ, nội hàm chính sách dân tộc sau khi được các chủ thể ban hành rất đa dạng, tồn tại ở nhiều hình thức văn bản khác nhau, quy định nhiều lĩnh vực khác nhau, thuộc trách nhiệm triển khai thực hiện của nhiều cơ quan khác nhau. Nếu không tiến hành đồng bộ hoá sẽ dẫn đến không tạo ra sự thống nhất, ăn khớp nhau, thậm chí có nguy cơ xung đột, triệt tiêu nhau. Hệ thống chính sách dân tộc phức tạp (ngay trong một chính sách và hệ thống các chính sách), trong khi các chính sách trong hệ thống chính sách và các nội dung trong một chính sách lại có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau, cái này là tiền đề, là nguyên nhân/kết quả của cái kia và ngược lại; Nếu không có sự đồng bộ thì không thể phát huy hết hiệu quả chính sách, gây lãng phí xã hội rất lớn.

TS.Nguyễn Cao Thịnh nhấn mạnh, trong cả xây dựng và thực hiện chính sách,  đồng bộ cần phải được thể hiện ở các trục, nhất là trục ngang và trục dọc, tuy nhiên thực tế cho thấy cả 2 trục này đang có nhiều bất cập: Ngang nghĩa là các văn bản do một cơ quan ban hành và các cơ quang ngang cấp không được mâu thuẫn, chồng chéo nhau, trái ngược, triệt tiêu nhau (câu chuyện về sự ngược nhau về chính sách giữa Uỷ ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và đào tạo trong phân chia 3 khu vực I, II, III trong một thời gian dài vẫn là sự nhắc nhở về tính đồng bộ, thống nhất); trục dọc là các văn bản phải có mối quan hệ biện chứng; văn bản của cơ quan cấp dưới không mẫu thuẫn với văn bản do cơ quan cấp trên ban hành; thông nhất và không bỏ sót chỉ đạo của cấp trên. Thực tế cho thấy cả 2 trục đồng bộ này chưa thực sự giải quyết tốt.

Từ những phân tích nêu trên, TS.Nguyễn Cao Thịnh cho rằng, nếu tiếp tục nghiên cứu, thảo luận sâu sẽ có thêm những căn cứ, cơ sở, nhưng rõ ràng việc Quốc hội đặt vấn đề đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 là thực sự cấp thiết cả về phương diện lý luận và thực tiễn hiện nay./.

Bích Ngọc