Tổng thuật sáng 10/8: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tham gia chất vấn
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu thực trạng thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Có trường hợp gười cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên quyền sở hữu nhà, tài sản hoặc quyền sở dụng đất như là một biện pháp để thế chấp, cầm cố hoặc là để làm tên, đến khi người đi vay không thể trả được nợ do lãi mẹ đẻ lãi con thì sẽ đi sang nhượng nhà đất, tài sản đó cho người khác mà chủ sở hữu, chủ sử dụng không thể đứng ra ngăn cản được và các cơ quan chức năng cũng rất khó trong việc thu thập chứng cứ để xử lý. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể để đấu tranh, xử lý vấn nạn này trong thời gian tới.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An bày tỏ băn khoăn trước những hệ lụy của vấn nạn tín dụng đen, theo đó, vấn nạn này thường dẫn đến các hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến tướng phức tạp hơn, nhất là hoạt động cho vay qua không gian mạng và thủ tục vay đơn giản, thủ đoạn tinh vi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an làm rõ những giải pháp để tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả vấn đề này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Phát biểu tại Phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện nay thực trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp, các đối tượng rất tinh vi, núp bóng dưới vỏ bọc của doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính để thực hiện hoạt động cho vay không thế chấp. Đáng chú ý là hướng tới đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, với thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất rất cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đấu tranh và xử lý đối với loại tội phạm này để ngăn ngừa có hiệu quả và tiến tới xóa bỏ tình trạng như nêu trên.
Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xủ lý các vi phạm. Đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng. Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến các đại biểu
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Công tác quản lý nhà nước đối với các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế. Các đối tượng thông qua mạng xã hội (zalo, facebook), các app, website để cho nhiều bị hại vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ gây bức xúc nhưng việc tiếp nhận, xác minh, xử lý các tin báo tố giác tội phạm gặp khó khăn do các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim điện thoại rác, sử dụng công nghệ cao để thực hiện Chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 03 năm tù) chưa đủ sức răn đe. Còn một bộ phận người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, chưa nâng cao ý thức cảnh giác và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định, thỏa thuận về vay mượn dân sự dẫn đến việc các đối tượng thực hiện các hành vi đòi nợ, siết nợ trái pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động. Triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm; trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ đã xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động. Chỉ đạo điều tra, mở rộng đối với hành vi rửa tiền trong các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm tốt công tác thu hồi nguồn tiền từ hoạt động “tín dụng đen”.