Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Nghiên cứu, bổ sung thêm các nội dung người dân được thụ hưởng
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, về tên gọi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị vẫn giữ tên gọi là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” vì tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về nội dung, phương thức thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở chứ không quy định về thực hiện dân chủ nói chung như đã điều chỉnh trong một số luật khác . Hơn nữa, tên gọi này cũng phù hợp với nội dung Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Về bố cục của dự thảo Luật, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc nghiên cứu, thiết kế bố cục của dự thảo Luật phù hợp hơn, bám sát với các phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, dự thảo Luật thiết kế lại bố cục theo hướng bổ sung một điều riêng quy định về quyền thụ hưởng của Nhân dân; bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện dân chủ ở mỗi loại hình cơ sở vào từng chương tương ứng để rõ việc, rõ trách nhiệm và trình tự, thủ tục thực hiện, qua đó gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương.
Đồng thời, để bảo đảm tính logic, gắn nội dung với phương thức kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở, dự thảo Luật chuyển quy định về Ban Thanh tra nhân dân thành các tiểu mục trong các chương tương ứng. Cụ thể, bổ sung vào mục 4 Chương II tiểu mục về Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; bổ sung vào mục 3 Chương III tiểu mục về Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; bổ sung vào mục 4 Chương IV tiểu mục về Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là tổ chức có sử dụng lao động).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Cần thiết quy định việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này có một chương riêng điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động và đề nghị cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Chương này để bảo đảm đầy đủ, khả thi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, còn ở các loại hình khác thì dẫn chiếu đến pháp luật về lao động.
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc. Việc tổ chức thực hiện các quy định này đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động… Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này thì việc quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong Luật này là cần thiết. Do đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động và bổ sung một số quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, vẫn còn có ý kiến cho rằng do phần lớn các tổ chức có sử dụng lao động đều đang thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung này nên đề nghị Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ nên dẫn chiếu đến các quy định có liên quan của pháp luật về lao động, còn lại nên tập trung quy định về thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp nhà nước bởi có những đặc thù riêng. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này./.