SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN: CẤP BÁCH VÀ CẦN THIẾT

18/08/2022

Theo chương trình, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trước đó, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án luật này của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập và bảo đảm sự tương thích với các điều ước và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp của Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Tại phiên họp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho biết  FATF là lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế do G7 thành lập. Cơ quan này soạn thảo văn bản pháp lý quy định tiêu chuẩn, các chuẩn mực thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hành động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.

APG là tổ chức phòng chống rửa tiền các nước châu Á  - Thái Bình Dương. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của APG. Việc gia nhập APG khẳng định cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới trong việc xây dựng một thể chế tài chính lành mạnh và đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ Luật Phòng, chống rửa tiền khó là ở chỗ các khuyến nghị, quy định của FATF soạn theo các nước phát triển, trong đó có nhiều nội dung, nhiều vấn đề Việt Nam chưa có. Nhiều nội dung khuyến nghị cô đọng và rất chuyên sâu. Mặt khác, trong 10 năm sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành đến nay, các khuyến nghị của FATF đã liên tục được cập nhật và sửa đổi 11 lần. Do đó, trong lần sửa đổi luật lần này cần có sự cập nhật, dự báo tình hình tài chính trong nước, quy mô và mức độ phát triển.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thực tế ở nước việc thực hiện phòng chống rửa tiền có nhiều khó khăn, một phần là do các cơ quan, bộ, ngành cho rằng đây là nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước và Bộ Công an. Do đó, phòng, chống rửa tiền khó cả về quy định đến tổ chức thực thi.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh phát biểu tại phiên họp

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cả về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời nội luật hóa các khuyến nghị của FATF, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng việc trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 thể hiện sự cầu thị và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam.

Để có thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giúp Chính phủ có thêm báo cáo về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời làm rõ những nội dung cập nhất theo FATF. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc xem xét thảo luận thông qua luật mà có ý nghĩa trong tổ chức thực hiện trên thực tế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đồng thời nhấn mạnh nếu không kịp thời sửa đổi và cập nhật các nội dung theo khuyến nghị quốc tế thì kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi. Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay việc sớm sửa đổi và ban hành luật sẽ góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một trong các giải pháp được đưa ra tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc hoàn thiện quy định của luật sẽ là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung phát triển và hoàn thiện, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Tất Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Tất Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang ghi nhận dự án Luật được chuẩn bị tốt các nội dung về khái niệm, định nghĩa tài sản bao quát hơn, liệt kê rõ hơn về các giao dịch đáng ngờ. Song đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa dữ liệu, tập hợp dữ liệu nhất là các thông tin dữ liệu giao dịch đáng ngờ. Đại biểu chỉ rõ, khối lượng thông tin dữ liệu thu thập là rất lớn nhưng dự thảo Luật lại chưa đề cập đến chuẩn hóa dữ liệu. Theo đó, cần có cách thức chuẩn hóa dữ liệu thông tin giao dịch đáng ngờ, chuẩn thông tin khách hàng, điều kiện giao dịch. Đại biểu cho rằng, chỉ khi có cơ sở dữ liệu thì mới bảo đảm hiệu quả thực thi, góp phần hiệu quả công tác giám sát của Nhân dân, Quốc hội thì khi đó phòng chống rửa tiền mới đi được vào thực chất, đóng góp vào chống gian lận thuế.

Ngày 07 tháng 6 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho quá trình xây dựng và phát triển cơ chế phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Từ đó đến nay, công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình gần 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền, một số vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Thứ nhất, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua vào năm 2012. Tại thời điểm này, các quy định của Luật được xây dựng theo hướng phù hợp, nội luật hóa các khuyến nghị của FATF được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012 và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn này. Từ đó đến nay, FATF đã có 11 lần sửa đổi các khuyến nghị, dẫn đến việc một số quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với 40 Khuyến nghị hiện hành của FATF, ảnh hưởng đến việc thực thi cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của FATF.

Thứ hai, về đối tượng báo cáo của Luật Phòng, chống rửa tiền, theo quy định hiện hành, đối tượng báo cáo gồm 02 nhóm: (i) các tổ chức tài chính (FIs); và (ii) các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs) phù hợp với các hoạt động của đối thượng báo cáo tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phát sinh một số hoạt động mới cần được bổ sung vào đối tượng báo cáo như hoạt động trung gian thanh toán.

Thực tế, về hoạt động trung gian thanh toán, hiện nay khung pháp lý cho hoạt động này tương đối đầy đủ. Tuy nhiên các quy định về phòng, chống rửa tiền mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật nên chưa đảm bảo đầy đủ và hiệu quả. Do đó, cần luật hóa hoạt động này vào đối tượng báo cáo tại dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng thời, trong thực tiễn có thể phát sinh những hoạt động mới có rủi ro về rửa tiền,  đặt ra yêu cầu cần phải có quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền để bao trùm được các lĩnh vực, hoạt động mới phát sinh.

Thứ ba, Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành không có quy định về việc đánh giá rủi ro quốc gia, ngành và tại từng đối tượng báo cáo về rửa tiền; đồng thời, quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo tại Luật chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý. Trong khi đó đây là một trong những yêu cầu thuộc nhóm các vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác phòng, chống rửa tiền được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong Bộ 40 Khuyến nghị của FATF về phòng, chống rửa tiền.

Thứ tư, về các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với đối tượng báo cáo, đối chiếu các quy định theo các yêu cầu tại Bộ 40 Khuyến nghị của FATF về các biện pháp phòng ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng, vẫn còn một số tồn tại cơ bản như: các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng do định nghĩa về thỏa thuận ủy quyền được nêu ra trong Luật Phòng, chống rửa tiền chưa phù hợp với khái niệm tương ứng theo khuyến nghị của FATF; Quy định về các giao dịch liên quan tới công nghệ mới còn thiếu các quy định theo yêu cầu mới phát sinh tại 40 Khuyến nghị của FATF như yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ ứng dụng công nghệ mới...

Từ các phân tích thực tế trên cho thấy việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ  thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền/ tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác trong thời gian tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác