ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN ĐỂ GIẢM KHIẾU KIỆN VƯỢT CẤP

22/08/2022

Được sự hỗ trợ của Viện KAS của Cộng hoà Liên bang Đức, sáng 22/8 tại Đà Nẵng, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đổi mới công tác dân nguyện của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử”. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban dân nguyện chủ trì hội nghị.

 

Toàn cảnh hội nghị 

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến hết năm 2021, Ban Dân nguyện phối hợp cùng các cơ quan liên quan đã tiếp 48.765 lượt người đến kiến nghị về 13.571 vụ việc. Riêng Ban Dân nguyện đã trực tiếp tiếp 7.445 lượt người liên quan đến 5.823 vụ việc, một nửa trong số đó đã được hướng dẫn, giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, rút đơn khiếu nại, tố cáo hoặc chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Điều đáng chú ý là các kiến nghị theo đoàn đông người vẫn còn cao với 968 lượt, và rất nhiều kiến nghị vượt cấp.

Ông Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện

Ông Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết: Việc giải quyết khiếu nại tố cáo, xét đến cùng là thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, của UBND các cấp. Trong đó cấp tỉnh, cấp huyện là nhiều nhất. Nhưng mà chúng ta không giải quyết đến nơi đến chốn, không giải quyết thấu đáo dẫn đến người dân không tin tưởng vào cơ sở, cứ dồn lên Trung ương. Trong các kỳ họp Quốc hội, trong các kỳ họp trung ương, trong khu vực nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo liên tục có hàng đoàn người dân đến đưa đơn, gào thét, chặn đường, chặn xe.

Ngoài ra, Ban Dân nguyện cũng đã tiếp nhận, phân loại và cập nhật, xử lý 91.386 đơn thư công dân. Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại và chuyển 20.164 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Các ý kiến tại Hội nghị cũng chỉ ra hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và chuyển đơn, thư của công dân. Không chỉ tại Trung ương, khi đơn đi lòng vòng trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội gây tốn thời gian, lãng phí nhân lực, dẫn tới việc xử lý đơn thư không kịp thời… mà tại địa phương, công tác xử lý đơn thư, kiến nghị cũng gặp nhiều vấn đề.

Ông Hoàng Đức Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Ông Hoàng Đức Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ: “Có những lúc công dân đến với mình, nhưng họ đã đi từ cấp xã lên cấp huyện, các ngành đã giải quyết trước đó rồi, mình hoàn toàn không biết gì cả. Thế là đoàn ĐBQH với tư cách ĐBQH mình phải tiếp nhận và phải khởi động lại từ đầu. Như vậy rất mất thời gian nhưng lại không biết cái đơn này đã đi một hành trình như thế nào, đến đâu rồi, các cấp giải quyết ra làm sao rồi. Cho nên thiếu 1 hệ thống dữ liệu thông tin như thế này”.

Từ thực tế này, các đại biểu kiến nghị cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin đồng bộ, phân cấp để theo dõi việc xử lý đơn thư được hiệu quả. Ngoài ra, công tác giám sát, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đơn thư của địa phương, của các ngành tại địa phương lẫn Trung ương được xem là bước ngoặt quan trọng trong đổi mới công tác dân nguyện. Phải theo đuổi đến nơi đến chốn, hướng về người dân, nếu cần phải yêu cầu nghiên cứu, xem xét lại. Đây là bản lĩnh của người làm công tác dân nguyện, đừng để “giám” mà không “sát”, “sát” mà không “dám”. /.

Mỹ Phượng – Lê Quang