PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN CỦA UBTVQH VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

23/08/2022

Chiều 23/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án của Đảng đảng Quốc hội về “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND các cấp” đã chủ trì phiên họp lấy ý kiến về các nội dung dự thảo Đề án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND

Cùng dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng các thành viên Ban Chỉ đạo đề án, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Hậu Giang, Đắk Lắk, Lạng Sơn, các thành viên Tổ biên tập.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp 

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp” là Đề án thứ 94 trong 107 nhiệm vụ đề ra theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Qua xem các dự thảo tờ trình, Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận Tổ biên tập đã tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan hữu quan nhất là làm rõ các đánh giá, đề xuất, kiến nghị; song cũng lưu ý đối với những vấn đề về đổi mới nội dung, cách thức tổ chức thực hiện cần phải thảo luận kỹ, để đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn, khả thi nhằm mục tiêu đổi mới, hiệu quả thiết thực trong hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh các nội dung của Đề án cần phải bảo đảm tổng hợp được đầy đủ ý kiến tham gia góp ý của Thường trực Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố. Bởi địa phương là người tổ chức thực hiện, vì vậy những điểm nào phù hợp, chưa phù hợp thì địa phương là người nắm rõ hết. Cùng với đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến góp ý tại hội nghị tổng kết ở 3 miền và các hội nghị khu vực. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đây là những chất liệu chính xác phục vụ cho việc xây dựng Đề án và dự thảo nội dung Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn định hướng nội dung trao đổi

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, vấn đề đặt ra là thực tiễn có gì vướng mắc cần thay đổi; cái gì cần phát huy; giải pháp khắc phục, giải pháp nâng cao; có nội dung, giải pháp gì mới nêu trong dự thảo Nghị quyết. Tinh thần là những vấn đề rõ, chắc thì mới đề xuất; đề xuất phải có căn cứ, lý lẽ thuyết phục, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án trình bày báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và một số nội dung chính của dự thảo Đề án và tiến hành thảo luận về phạm vi của Đề án, bố cục dự thảo Đề án và các nội dung còn ý kiến khác nhau của Đề án như mối quan hệ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, về cơ sở pháp lý và tính khả thi của việc đề xuất thí điểm “phiên giải trình” của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về tổ chức thực hiện Đề án.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc bảo đảm và tăng cường sự gắn kết giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp là nhu cầu thiết yếu, khách quan, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và một số nội dung chính của dự thảo Đề án 

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng, thông qua Đề án là thật sự cần thiết, cung cấp đầy đủ luận cứ cho việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên để thực hiện trong thời gian tới. Thông qua Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định được những phương hướng, giải pháp về mặt thể chế và nguồn lực nhằm giúp cho việc chủ động, kịp thời từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động chung của hệ thống cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương.

Đề án xác định nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc phân công và điều hòa, phối hợp hoạt động hướng dẫn, giám sát và tiến hành một số hoạt động khác đối với Hội đồng nhân dân các cấp. Hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn hoạt động và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; văn bản bảo đảm sự phối hợp chỉ đạo, điều hoà phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổ chức triển khai các hoạt động một cách đa dạng nhằm tăng cường sự gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê, báo cáo bảo đảm sự liên thông, đồng bộ giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Thảo luận tại phiên họp, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố bày tỏ nhất trí cao với nội dung cơ bản Đề án; ghi nhận quá trình xây dựng Đề án bài bản công phu, đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Nhấn mạnh việc xây dựng Đề án này đáp ứng mong mỏi của Hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu cho biết trong quá trình tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh việc phát sinh nhiều bất cập, hạn chế như trong việc tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân, việc phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong chuẩn bị tài liệu kỳ họp, thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh… rất cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, trong bối cảnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương thì việc tăng cường giám sát hoạt động của chính quyền địa phương là rất cần thiết.

Chia sẻ với những tâm tư, khó khăn, vướng mắc của Hội đồng nhân dân trong hoạt động, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cho rằng cần tiếp tục tổng kết đánh giá thực tiễn triển khai, chỉ rõ tồn tại hạn chế, nguyên nhân Từ đó có đủ cơ sở thực tiễn đề xuất các nội dung giải pháp, định hướng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Cơ bản thống nhất với phạm vi, tên gọi của Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cần tiếp tục làm rõ các cơ chế bảo đảm thực hiện vai trò hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu cần hướng dẫn sát sao cụ thể hơn, gắn kết hơn giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, cũng phân định rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc hướng dẫn hoạt động Hội đồng nhân dân.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, nhấn mạnh yêu cầu cần sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ban Chỉ đạo cần tập trung cao nhất cho Đề án. Trong đó, các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập tiếp tục căn cứ nhiệm vụ cụ thể đã được phân công và tiến độ triển khai đề án theo Kế hoạch để bảo đảm chất lượng tốt nhất. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ban chỉ đạo, Tổ biên tập cần hệ thống lại và có tiếp thu, giải trình cụ thể.

Cho biết sản phẩm của Đề án là kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó nêu rõ các kiến nghị, đề xuất cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý các nội dung phải được thể hiện ngắn gọn, cô đọng và thuyết phục được những vấn đề quan trọng nhất, những vấn đề mới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, trước mắt, cần tiếp tục rà soát, không để sơ suất về tư liệu, thiếu chặt chẽ trong đánh giá, dàn trải trong trình bày. Tuyệt đối không cẩu thả để sai câu, sai từ, ý tứ, tạo suy diễn; đồng thời nhấn mạnh tinh thần là tiếp tục cầu thị lắng nghe, hỏi đúng người nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, chủ trương, chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng 

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đinh Hữu Học

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Mã Thị Tươi

Các đại biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Phạm Quý Tiên

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng

Các đại biểu tại phiên họp

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác