KHẨN TRƯƠNG BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN NỘI DUNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

24/08/2022

Thảo luận về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 tại cuộc làm việc của Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần sớm ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng “lõi nghèo”

Toàn cảnh cuộc làm việc

Vừa qua, Ủy ban Xã hội đã có cuộc làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả và phương hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã nỗ lực triển khai công tác xây dựng thể chế, cơ chế thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm của cấp ủy, chính quyền để triển khai thực hiện.

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá, các chỉ thị này đã góp phần định hướng chiến lược giảm nghèo bền vững đến năm 2030; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; vận động đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động và cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Để triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện nghèo và tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, Bộ đã ban hành Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; Quyết số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 (Tờ trình số 44/TTr-LĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ cũng đã theo thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án cụ thể như: Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thêm vào đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đôn đốc, phối hợp các bộ theo thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án cụ thể như: Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT ngày 11/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1768/QĐ-BYT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện nội dung "Cải thiện dinh dưỡng" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Để tổ chức thực hiện Chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì tham mưu hoặc tham gia phối hợp cùng các bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 01 Chỉ thị của Ban Bí thư, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 26 văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 36 văn bản của Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền về chỉ đạo, điều hành lĩnh vực giảm nghèo.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn địa phương chủ động tham mưu trình cấp có thẩm quyền, ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, Kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn giai đoạn 2021-2015, Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương theo quy định; ban hành Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu cho ý kiến tại cuộc làm việc

Đánh giá về công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, về ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành đúng tiến độ; các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của các bộ cơ bản hoàn thành quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương hiện đang triển khai xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, còn có những tồn tại, hạn chế như, nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp trung ương chưa được xác định theo kế hoạch trung hạn hoặc xác định mức trần hằng năm nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp được bố trí thực hiện Chương trình năm 2022 thấp. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, các đại biểu cho rằng cần tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

Đặc biệt, nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện Chương trình, cần sớm xây dựng các văn bản quan trọng làm hành lang pháp lý vững chắc như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025; quy trình, công cụ, phần mềm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; quy trình, công cụ, phần mềm giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; nội dung, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025./.

Hồ Hương