CHI PHÍ QUẢN LÝ VÀ KHẤU HAO CHƯA ĐƯỢC TÍNH VÀO GIÁ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

29/08/2022

Nhằm hoàn thiện Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo của Ủy ban Xã hội, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý y tế cho rằng, hiện nay, chi phí quản lý và khấu hao chưa được tính vào giá khám bệnh, chữa bệnh.

Hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa

Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một trong những dự án luật hết sức quan trọng, tác động không chỉ đến ngành y tế, đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn có tác động rất sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. Tham gia ý kiến tại Hội thảo của Ủy ban Xã hội về nội dung giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong dự thảo Luật, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, về việc thực hiện lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hiện nay, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập gồm: hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu.

Đối với hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao như khám, chữa bệnh cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (trừ các đối tượng đi khám, chữa bệnh theo yêu cầu): Mức giá thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật giá, cụ thể: Giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: từ 01/3/2016 đến 15/7/2018 thực hiện theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính; từ 15/7/2018 đến 15/12/2018 thực hiện theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế: từ 15/12/2018 đến 19/8/2019 thực hiện theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế, Từ ngày 20/8/2019 đến nay thực hiện theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê

Giá khám, chữa bệnh cho đối tượng không có bảo hiểm y tế (trừ các đối tượng đi khám, chữa bệnh theo yêu cầu) do UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế thống nhất với Bộ Tài chính và quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế; từ 15/01/2019 thực hiện theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế; Từ ngày 20/8/2019 đến nay thực hiện theo Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế.

Đối với hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ và Nghị định số 16/2015/NĐ CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng và quyết định mức giá cụ thể theo nguyên tắc bảo đảm dù bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý y tế cho rằng, giá khám bệnh, chữa bệnh đã tính 2/4 yếu tố là chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính 2 yếu tố là chi phí quản lý và khấu hao. Đây là bước tiến quan trọng nhất trong lộ trình tính đúng, tính đủ. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Toàn cảnh hội thảo

Về xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, liên Bộ đã xây dựng và ban hành giá của các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Thông tư liên tịch số 37 và Thông tư 15 theo đúng các quy định của Luật Giá. Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Thông tư số 25/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ. Theo đó, Bộ Y tế ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế đã đã phối hợp cùng Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiến hành việc khảo sát và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; đã thành lập Hội đồng thẩm định định mức với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Quyết định số 3288/QĐ-BYT ngày 06/8/2015 của Bộ Y tế). Sau khi hợp thẩm định; Bộ Y tế đã ban hành một số quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật gồm: Quyết định số 355/QĐ-BYT ngày 09/02/2012 ban hành định mức tiêu hao thuốc, vật tư, hóa chất của 477 dịch vụ  khám bệnh, chữa bệnh   của Thông tư số 04/2012/TTLT; Quyết định số 508/QĐ-BYT ngày 20/02/2012 ban hành định mức điện nước, chi phí hậu cần của 477 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Thông tư số 04/2012/TTLT; Quyết định số 3955/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 ban hành định mức tiêu hao thuốc, vật tư, hóa chất, điện, nước xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chi phi duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị cho các dịch vụ kỹ thuật bổ sung trong Thông tư số 37; Quyết định số 3959/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 ban hành định mức nhân lực và thời gian thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Thông tư số 37. Tại các Quyết định này đã nêu rõ “Định mức ban hành kèm quyết định là định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Các chuyên gia, nhà quản lý y tế cho rằng, do giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc nên phải có một định mức chung để xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Các định mức ban hành tại các quyết định của Bộ Y tế được xây dựng trên cơ sở đề xuất của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các quy định, quy trình chuyển môn và khảo sát thực tế tại một số đơn vị, địa phương cả nơi cao và nơi thấp, là các định mức trung bình tiên tiến, bảo đảm phù hợp với đa số các cơ sở khám, chữa bệnh và bảo đảm chất lượng dịch vụ y y tế. Đây là định mức chung để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ không phải là định mức cụ thể từng cơ sở khám bệnh, nên khi triển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế tại từng đơn vị cụ thể sẽ có sự khác nhau về số lượng dịch vụ, mức sử dụng vật tư, nhân lực, thời gian và chi phí thực hiện. Có sự khác nhau này là do số lượng người bệnh có nhu cầu thực hiện dịch vụ tại mỗi cơ sở y tế là khác nhau, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tay nghề của nhân viên y tế tham gia triển khai các dịch vụ, kỹ thuật là khác nhau, tình trạng bệnh khác nhau mặc dù cùng phải thực hiện một dịch vụ kỹ thuật, cùng một bệnh, cùng một dịch vụ kỹ thuật nhưng thuốc, vật tư, hóa chất sử dụng cho người bệnh này có thể khác với người bệnh khác vì đặc thù, nghề y là nghề chữa từng người bệnh cụ thể.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, định mức kinh tế - kỹ thuật ban hành tại các quyết định của Bộ Y tế chỉ là định mức trung bình tiên tiến để tính giá của các dịch vụ kỹ thuật, không phải định mức bắt buộc mọi dịch vụ kỹ thuật phải thực hiện như nhau và cũng không phải là định mức tối đa không được vượt quá.

Hồ Hương

Các bài viết khác