UBTVQH KHÔNG ĐỒNG Ý ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH 932 TỶ ĐỒNG CÒN DƯ CỦA LĨNH VỰC Y TẾ, AN SINH XÃ HỘI, LAO ĐỘNG SANG ĐẦU TƯ 3 DỰ ÁN THUỘC NGÀNH GIAO THÔNG

29/08/2022

Chiều ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp bất thường tháng 8/2022, các thành viên UBTVQH cho ý kiến vào danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phiên họp bất thường tháng 8/2020 của UBTVQH xem xét hai nội dung quan trọng, cấp thiết

Chính phủ trình UBTVQH danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Trình UBTVQH xem xét việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn còn lại chưa phân bổ

Toàn cảnh Phiên họp bất thường tháng 8 của UBTVQH cho ý kiến về danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận về danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ban hành gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội, nhằm tác động vào tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho nhiều lĩnh vực, chủ yếu là hạ tầng (bao gồm cả giao thông, thủy lợi), y tế, lao động, an sinh xã hội, chuyển đổi số... với mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của cả nhiệm kỳ đạt mục tiêu 6,5-7% cho cả nhiệm kỳ.

Một số nội dung Chính phủ trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định và hiện đang được triển khai như 4 dự án quan trọng quốc gia có sử dụng một phần vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 (Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2; Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột; Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tập trung thảo luận về sự cần thiết, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành Kết luận hay Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cho ý kiến về phương án bố trí 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm do các bộ, cơ quan trung ương không đề xuất; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Cho ý kiến vào nội dung phiên họp, nhiều ý kiến cơ bản đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, một số đại biểu khẳng định, Nghị quyết số 43 đã được Quốc hội thông qua từ ngày 11/1/2022 tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, đến nay sau 8 tháng, Chính phủ mới trình UBTVQH danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, mặc dù vậy, danh mục này cũng chưa hoàn thiện, vẫn còn một phần tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư…

Đa số ý kiến cho rằng, đến nay đã qua 1/3 thời gian thực hiện Chương trình, Chính phủ mới trình là chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình. Đại biểu đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân chậm, trách nhiệm của các cơ quan khi trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15; đồng thời nêu rõ các giải pháp để bảo đảm việc thực hiện được mục tiêu Chương trình và hoàn thành việc giải ngân trong năm 2022, 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, mục đích của việc ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 nhằm tăng bội chi, kỳ vọng nền kinh tế mỗi năm sẽ tăng thêm 1% GDP. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới tiến hành phân bổ vốn, như vậy hiệu quả, tác dụng của chính sách này sẽ khó đạt được mục tiêu, nhưng vẫn cần quyết tâm để triển khai càng nhanh càng tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Vũ Hồng Thanh đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về bố trí vốn đối với 94 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn việc bố trí vốn đối với 8 dự án nằm trong nhóm công nghệ thông tin và chuyển đổi số có bị ảnh hưởng, nếu áp dụng theo nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 43/2022/QH15 về đảm bảo tính hài hòa vùng miền, lĩnh vực. Ngoài ra, khoảng 75% trong tổng số 94 nhiệm vụ, dự án này được triển khai trong năm 2022 và 2023, còn 25% dự án triển khai trong những năm tiếp theo, điều này đặt ra hiệu quả hấp thụ giải ngân của các công trình dự án trong 94 dự án thấp; đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình thêm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu thực tế nhu cầu vốn cho ngành y tế rất lớn, nhưng Chính phủ đề xuất chuyển vốn sang ngành 3 dự án giao thông, trong đó chỉ có một dự án cấp bách là chưa phù hợp.

Về đề xuất của Chính phủ chuyển 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm do các bộ, cơ quan trung ương không đề xuất sang đầu tư 3 dự án thuộc ngành giao thông, đa số ý kiến không đồng tình với đề xuất này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu thực tế nhu cầu vốn cho ngành y tế rất lớn, nhưng Chính phủ đề xuất chuyển vốn sang ngành 3 dự án giao thông, trong đó chỉ có một dự án cấp bách. Vì vậy, đề nghị ngành Y tế tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục nhiệm vụ, dự án, báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH cho ý kiến trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ đề xuất chuyển nguồn vốn dư này sang các dự án giao thông là không phù hợp, bởi vốn cho lĩnh vực này sẽ “vượt trần” theo quy định, nếu vậy sẽ phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cho giao thông lớn, bao nhiêu cũng không đủ, Chính phủ có thể sử dụng nguồn vốn dự phòng để đầu tư cho các dự án này. Có ý kiến đề nghị Chính phủ và ngành y tế rà soát ưu tiên đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, bởi hai dự án này đã xây xong nhưng chưa có thiết bị để đưa vào sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên giải trình về các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Cũng tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính giải trình thêm các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ nêu. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, mức vốn tối đa đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỷ đồng, trong đó Nghị quyết nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, gắn với phòng chống dịch Covid-19. Thời gian qua, Bộ Y tế đã có 10 văn bản gửi các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tình, thành phố, yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn rà soát đăng ký danh mục dự án. Kết quả có 272 dự án, với tổng vốn khoảng 59.000 tỷ đồng đăng ký nhưng qua rà soát của Bộ Y tế giảm xuống còn 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43/2022/QH15, với tổng vốn 13.198 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến ban đầu 802 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, nhu cầu vốn đầu tư ngành y tế rất lớn, nhưng Bộ Y tế đã bám sát yêu cầu tại Nghị quyết 43 và thời hạn gửi báo cáo đề xuất danh mục nên nhiều dự án có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện về thủ tục, hồ sơ chưa được đưa vào danh mục đề xuất phân bổ vốn lần này...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận về danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, UBTVQH cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 29/2021/QH15, bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa các lĩnh vực, các vùng miền, khả năng hấp thụ vốn.

Về danh mục, mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án cụ thể của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm chi tiết về từng danh mục dự án khi quyết định phân bổ theo thẩm quyền.

UBTVQH cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ đối với danh mục phân bổ vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với số vốn 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong đó, UBTVQH cơ bản nhất trí cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ phân bổ số vốn đối với 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của chương trình; đề nghị Chính phủ rà soát, tiếp thu, giải trình đối với một số dự án cụ thể đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra và ý kiến thảo luận của UBTVQH; rà soát, cập nhật các trường hợp đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để có thể phân bổ ngay trong đợt này.

Đối với 169 dự án, với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, đang trong quá trình hoàn thiện, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng phân bổ vốn.

Đối với 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đề xuất của các bộ, ngành, các địa phương liên quan để bố trí nguồn vốn này.../.

Lan Hương - Phạm Thắng