ĐỀ XUẤT ĐỔI TÊN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI) THÀNH LUẬT CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC: CÒN NHIỀU QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU

06/09/2022

"Đổi tên dự án Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác hay giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã" là một trong những nội dung trọng tâm được các chuyên gia tập trung cho ý kiến tại Tọa đàm "Góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)" do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 06/9.

Sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã: Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tọa đàm "Góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)" 

Tọa đàm do TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế đồng chủ trì với sự tham gia của đại diện các cơ quan như: Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; … cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội; Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (AMI); Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Học viện Tài chính; Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam;…

Tại tọa đàm, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tên Luật, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án, cụ thể: Đổi tên dự án Luật Hợp tác xã (HTX) thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và Phương án giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã. Cơ sở đề xuất đổi tên luật để đảm bảo phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường hiện đại, dần xóa bỏ định kiến đối với HTX kiểu cũ,…

Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã”. Lập luận về quan điểm này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết,  HTX là nòng cốt, đại diện và đặc trưng cho thành phần kinh tế tập thể. Tổ hợp tác, liên hiệp HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khác được xác định là hình thức phái sinh của HTX. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” nhưng vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể là phù hợp.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, tên gọi Luật Hợp tác xã đã được sử dụng từ Luật HTX năm 1996, Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012; hệ thống chính trị và người dân đã quen với tên gọi này, ngắn họn, dễ hiểu, thuận lợi cho tuyên truyền phổ biến và áp dụng pháp luật.

Trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác không có quy định về thuật ngữ “tổ chức kinh tế hợp tác”. Pháp nhân theo quy định tại điều 74, 75, 76 của Bộ luật dân sự đã được định nghĩa rõ ràng gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Dự thảo Luật HTX quy định tại khoản 2 Điều 26: “2. Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã” là chưa phù hợp với quy định pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, mỗi loại hình HTX, liên hiệp HTX và Liên đoàn HTX có địa vị pháp lý khác nhau, nên tổ chức và hoạt động cũng khác nhau, việc nhóm vào các nội dung quy định về tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là chưa phù hợp. Vì vậy, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định cụ thể giải thích từ ngữ, cơ chế thành lập và hoạt động đối với từng loại hình HTX, liên hiệp HTX.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường

Đồng tình với quan điểm giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã, PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, không nên đổi tên Luật HTX thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì khái niệm HTX mang tính tương đồng với Luật của các nước khác để hội nhập, và rộng hơn khái niệm cá tổ chức kinh tế hợp tác vì bao hàm cả nội hàm phát xã hội, tương trợ mà các tổ chức thuần tuý kinh tế không đảm nhiệm được.

Theo PGS. TS. Đào Thế Anh, Luật Doanh nghiệp cũng bao gồm bên trong nhiều loại hình doanh nghiệp và các tổ chức trên nguyên tắc doanh nghiệp. Tên Luật HTX có thể bao gồm các loại hình tổ chức như Liên hiệp, liên đoàn HTX là những tổ chức được hình thành theo nguyên tắc HTX, hợp tác của các HTX. Các Liên hiệp và Liên đoàn HTX đều được thành lập dựa trên nhiều HTX chứ không thành lập độc lập với HTX. Vì vậy tên Luật HTX hoàn toàn có thể bao gồm các tổ chức như Liên hiệp, Liên đoàn HTX.

Tán thành với đề xuất việc đổi tên “Luật Hợp tác xã” thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”, TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó Vụ trưởng-Phó ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân nhấn mạnh, việc đổi tên là cần thiết và đúng đắn; cách tiếp cận phù hợp với quy luật và xu hướng lâu dài.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần ghi nhận mạnh mẽ một trong những điểm thành công nổi bật của Dự thảo lần này là đã tiếp thu nghiêm túc và khá đầy đủ các góp ý, thẩm định của các cơ quan chức năng, cũng như chủ động xây dựng nhiều nội dung mới góp phần khắc phục một số tồn tại, hạn chế của Luật Hợp tác xã 2012 để phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt, Dự thảo đã đi đúng hướng khi tập trung điều chỉnh trong các nội dung quy định về hoạt động gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường của HTX, với những điểm nhấn nổi bật về: Giảm số lượng thành viên tối thiểu khi đăng ký thành lập HTX; Bỏ quy định về yêu cầu phương án sản xuất kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX khi đăng ký thành lập HTX, liên hiệp HTX; Giảm thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX, liên hiệp HTX;…

Cũng tại tọa đàm, về nội dung này, Ths. Ngô Sỹ Đạt, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường  và Thể chế nông nghiệp (AMI) - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất đặt tên là “Luật Các tổ chức kinh tế tập thể” để phù hợp và thống nhất chung về tên gọi mà các Nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương. Các từ trong dự thảo Luật “kinh tế hợp tác” nên sửa thành “kinh tế tập thể”. Mặt khác, gọi Luật Các tổ chức kinh tế tập thể phạm vi sẽ nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng. Phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trước đó, phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đã tạo các khung khổ pháp lý cơ bản vững chắc tác động tích cực tới phát triển kinh tế tập thể, HTX trên nhiều mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn, góp phần luật hóa chủ trương của Đảng.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến cũng cho biết, dự án Luật HTX (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua vào kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023) nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý về các loại hình kinh tế tập thể, tổ chức đại diện;…

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu còn tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung mới trong Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đồng thời, góp ý cụ thể vào phạm vi điều chỉnh/đối tượng áp dụng, quan điểm/nguyên tắc xây dựng dự thảo luật, quy định cắt giảm thủ tục hành chính về thành lập HTX, quy định về tổ chức quản lý HTX, quy định về tài sản, tài chính trong HTX, quy định về thành viên, cơ cấu tổ chức của HTX;.../.

Lê Anh