Toàn cảnh phiên họp
Dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội cùng một số đại biểu, chuyên gia.
Về phía các Bộ, ngành có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Văn Thanh; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng một số cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/7/2021. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết về việc hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, ngày 20/7/2022, Ủy ban đã tổ chức cuộc họp nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan báo cáo sơ bộ kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát về nội dung này tại 05 địa phương trên cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 1/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ủy ban Xã hội đã tổ chức khảo sát các địa phương, tổ chức 03 cuộc Hội thảo khu vực, tổ chức Phiên họp nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tổ chức 07 đoàn giám sát về các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội trong đó có việc thực hiện 02 Nghị quyết này.
Nhấn mạnh đây là hai nội dung quan trọng, cấp bách, có tầm ảnh hưởng rộng lớn, được cử tri và nhân dân quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tại phiên họp này, Thường trực Ủy ban sẽ thẩm tra sơ bộ các báo cáo về hai nội dung, báo cáo thẩm tra sơ bộ sẽ được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022.
Còn chậm trễ trong xây dựng kế hoạch, giải ngân kinh phí thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững
Báo cáo kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững từ tháng 7 năm 2021 đến hết năm 2021 và năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương chủ động tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững; về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày báo cáo
Về việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; trong đó, năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Có 06 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc, cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15%).
Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022, ước kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cụ thể như sau: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Đưa ra ý kiến thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp; quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các văn bản, hướng dẫn, nhằm bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc thực hiện Chương trình. Thường trực Ủy ban cũng đề nghị, Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định vốn sự nghiệp thực hiện cho một số dự án, tiểu dự án chưa được phân bổ vốn; tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, tiểu dự án chưa được thực hiện.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ do sự chậm trễ của một số bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn thực hiện Chương trình. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình chưa bố trí thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo. Các đại biểu cũng nêu rõ, cần tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo công tác này được tiến hành hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.
Một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn chưa được nhận hỗ trợ
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện chính sách theo Nghị quyết, đã có 340.888 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 11.822.638 người lao động; tính đến hết ngày 07/9/2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, việc triển khai chính sách theo quy định của Nghị quyết được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao. Chính sách có độ bao phủ rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích (trên 99% người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân), đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành, tuân thủ các quy định tại Nghị quyết.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đó, khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan trình bày một số ý kiến thẩm tra
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban và các đại biểu cũng cho biết, bên cạnh các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời, một số địa phương vẫn còn thực hiện chậm, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021. Do đó, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu một số bất cập trong triển khai thực hiện. Cụ thể, sau thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động, còn rất nhiều lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg nhưng chưa được chi trả, do số tiền chi trả hỗ trợ đã vượt mức kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của hạn chế này là do đánh giá tác động khi xây dựng chính sách còn hạn chế; trong quá trình xây dựng chính sách do các quy định về đơn vị sự nghiệp tự chủ rất phức tạp, nên khó xác định chính xác đối tượng được hưởng chính sách trong các đơn vị sự nghiệp.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chính sách, xác định đối tượng hỗ trợ, triển khai chính sách kịp thời. Vì vậy, cần quan tâm, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu lao động việc làm, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, thúc đẩy công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu để thực hiện công tác dự báo chính xác, nhanh và kịp thời.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, các chuyên gia. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội ghi nhận sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát văn bản; thực hiện hiệu quả các tiểu dự án; hoàn thành việc giải ngân vốn hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022. Sau đó, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức thẩm tra chính thức báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7. Báo cáo thẩm tra sẽ được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu thành viên Ủy ban và được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp:
Phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Xã hội
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm trong tham mưu và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng cần làm rõ tính khả thi liệu năm 2022 có đạt được cả ba tiêu chí của chương trình hay không, vì việc triển khai chương trình hiện nay đang bị chậm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị các Bộ có đánh giá thêm về tính bền vững của những kết quả đạt được
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung còn chưa phân bổ vốn, đây là thách thức không nhỏ của chương trình này
Đại biểu Trương Xuân Cừ băn khoăn về vấn đề sinh kế, phát triển kinh tế của hộ nghèo để đảm bảo phát triển bền vững
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2022.