ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI HẬU GIANG

14/09/2022

Chiều ngày 14/9, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Minh Sơn làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang về tình hình kinh tế - xã hội và dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh.


Tiếp và làm việc với đoàn có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đề nghị Hậu Giang có giải pháp đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hữu Phước

Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 3/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thực hiện vượt kế hoạch, có 9 chỉ tiêu đạt trên 60% kế hoạch; 4 chỉ tiêu xét vào cuối năm; còn 2 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch. Trong đó, một số kết quả nổi bật của tỉnh là kinh tế đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11%, đây là con số cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 trong cả nước; đồng thời công nghiệp tăng trưởng đột phá khi đạt 30,81%, số dự án đầu tư phát triển nhà ở đô thị tăng nhanh. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp đã vươn lên như một điểm sáng khi đạt mức tăng trưởng 4,49%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Mặt khác, các địa phương trong tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và OCOP. Đặc biệt, tỉnh triển khai có hiệu quả và kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, cũng như triển khai tốt công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo tiến độ theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vượt kế hoạch cả năm, du lịch có khởi sắc;…

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, thành viên Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Hậu Giang đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách cho khu vực KTTT, HTX của địa phương. 

Về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) năm 2012 đã mang đến sự đổi mới khá toàn diện đối với kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hiện khu vực KTTT, HTX của tỉnh đã có tác động tích cực đối với phát triển nền kinh tế - xã hội địa phương, từ đó góp phần vào việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng nhằm ổn định giá cả thị trường, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong xây dựng liên kết, hợp tác thông qua mô hình HTX, liên minh HTX đã đưa đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn trong sản xuất và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất,... Đặc biệt, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT (nhất là vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX) được tỉnh chú trọng thực hiện, từ đó giúp khu vực KTTT, HTX từng bước phát triển, thay đổi được tư duy, nhận thức của người dân khi tham gia vào khu vực KTTT, HTX.

Nhiều chương trình, chính sách được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong thời gian qua của ngành chức năng tỉnh đã giúp HTX Hậu Giang Xanh, ở khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh hoạt động rất hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện kịp thời và giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm; đồng thời kiến nghị bổ sung dự án Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ; cũng như xem xét tỷ lệ đối ứng tối thiểu gấp 1,5 lần tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho tỉnh. Bên cạnh đó, kiến nghị bổ sung vấn đề về “vốn đối ứng của tổ chức kinh tế hợp tác trên cơ sở vốn đối ứng được hình thành từ vốn góp của thành viên”, cũng như bổ sung quy định về thời hạn xem xét chuyển quyền sở hữu tài sản có “vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”,…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khu vực KTTT, HTX; trong đó, việc địa phương chỉ ra cụ thể những mặt còn hạn chế, khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và khu vực KTTT, HTX sẽ giúp cho đoàn công tác có nhiều cơ sở nghiên cứu và xem xét báo cáo với Chính phủ có hướng tháo gỡ sớm. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương không ngừng phát triển; đồng thời có giải pháp đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh. Về đề xuất, kiến nghị của tỉnh thì Đoàn công tác ghi nhận; tuy nhiên có nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đồng thời có nội dung phải xin nhiều ý kiến của bộ, ngành Trung ương nhưng riêng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ ủng hộ địa phương…

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát các lô trái cây chuẩn bị xuất khẩu sang nước ngoài của HTX Trái cây Sinh học OCOP.

* Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Minh Sơn làm Trưởng đoàn, đã đến khảo sát và làm việc về tình hình hoạt động của một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Tiếp và cùng đi khảo sát với đoàn công tác có bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh.  

Báo cáo với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi đến khảo sát tại đơn vị, lãnh đạo HTX Trái cây Sinh học OCOP (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành), cho biết: Hiện HTX có 95 thành viên là những hộ trồng cây ăn trái trong và ngoài huyện Châu Thành. Ngoài các thành viên của HTX thì đơn vị còn liên kết với nhà vườn bên ngoài nhằm thực hiện bao tiêu và thu mua sản phẩm để đóng gói tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài (thị trường châu Âu là chính). Trong đó, HTX ưu tiên thu mua những sản phẩm trái cây được nông dân trồng theo hướng an toàn thực phẩm. Dự kiến trong năm nay, HTX sẽ xuất khẩu từ 3.000-3.500 tấn trái cây sang thị trường nước ngoài, trong đó chủ lực là bưởi da xanh, chanh không hạt…

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UBND tỉnh Hậu Giang đến khảo sát, làm việc tại HTX Nông nghiệp Hiếu Lực.

Đối với HTX Nông nghiệp Hiếu Lực, ở ấp Trường Hòa A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A thì hiện HTX thực hiện các dịch vụ như: cung ứng lúa giống, liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra và dịch vụ thu gom lúa, dịch vụ lưu kho (lúa khô) và cung ứng lúa hàng hóa, đồng thời thực hiện bán buôn gạo các loại cho thị trường. Còn HTX Hậu Giang Xanh, ở khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh thì hiện đơn vị cũng liên kết với 56 thành viên là các chủ thể sản xuất những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương để giới thiệu, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho bà con. Hiện sản phẩm chủ lực của HTX là các mặt hàng chế biến từ cá thát lát, đồng thời HTX liên kết với nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh để trưng bày và mua bán trên thị trường trong, ngoài tỉnh.

Lãnh đạo HTX Hậu Giang Xanh (giữa) giới thiệu với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về các sản phẩm OCOP của đơn vị và tỉnh được trưng bày, quảng bá để tiêu thụ tại HTX.

Ngoài báo cáo về tình hình hoạt động thì các HTX trên còn chia sẻ về những mặt thuận lợi trong hoạt động, nhất là luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh cùng chính quyền địa phương sở tại tạo mọi điều kiện, cũng như hỗ trợ tích cực về các chủ trương, chính sách có liên quan đến HTX được nhanh chóng và kịp thời; từ đó, giúp HTX an tâm và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì các HTX trên cũng chia sẻ một số khó khăn chung mà mô hình kinh tế tập thể của tỉnh đang gặp phải. Cụ thể, HTX gặp khó trong vay vốn từ ngân hàng thương mại vì lãi suất cao, trong khi nhu cầu về vốn của HTX lớn nhưng nguồn vốn vay từ Liên minh HTX còn hạn chế; đối tác tiêu thụ sản phẩm còn phân biệt mô hình HTX và doanh nghiệp; người dân tự nguyện tham gia vào HTX còn ít, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nhiều HTX còn thiếu trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm. Ngoài nêu những khó khăn thì các HTX còn chia sẻ với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về cách phát triển thành viên mới; cơ chế hoạt động, quản lý; nêu mục đích, động lực để hình thành và phát triển HTX; những lợi ích của thành viên khi tham gia HTX…

(Theo Báo điện tử Hậu Giang)