THS.LS LẠI XUÂN CƯỜNG: KỲ VỌNG LỚN VÀO THÔNG ĐIỆP “DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2022” TRUYỀN TẢI

16/09/2022

“Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” sẽ được tổ chức vào ngày 18/9 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Quan tâm đến sự kiện quan trọng này, ThS.Ls Lại Xuân Cường kỳ vọng “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” sẽ lan tỏa mạnh mẽ thông điệp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Để "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022" thực sự có hiệu ứng tới sự phát triển kinh tế, xã hội 

Nhìn lại những hình ảnh ấn tượng tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021"

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021

Ngày 18/9 tới đây, “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên của Quốc hội, được tái khởi động năm 2021, nhằm bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội..., đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Quan tâm đến sự kiện quan trọng này, ThS.Ls Lại Xuân Cường kỳ vọng rằng, “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” sẽ lan tỏa mạnh mẽ thông điệp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chính sách được thảo luận từ Diễn đàn sẽ đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực, vừa có tác động trước mắt lẫn lâu dài, đem lại lợi ích cho các thành phần kinh tế, cho cử tri và nhân dân.

ThS.Ls Lại Xuân Cường

Phóng viên: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam sẽ là hoạt động thường niên của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức. Luật sư có nhận định gì về sự kiện này?

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Tôi cho rằng “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội” là sự kiện có ý nghĩa lớn, quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong cũng như ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những ý kiến đóng góp, đối thoại chính sách đa chiều, thực tiễn, những phản ánh, kiến nghị từ nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh khác nhau về những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn đời sống sẽ là tư liệu quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cơ quan hữu quan xây dựng hoàn thiện các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc tổ chức thường niên Diễn đàn Kinh tế - Xã hội là việc rất có ý nghĩa, không chỉ có đóng góp tích cực cho quá trình hoạch định chính sách, mà còn thể hiện rõ tinh thần của một Quốc hội chủ động, lắng nghe đa chiều, tích cực đối thoại, tôn trọng ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, không ngừng đổi mới để đem lại lợi ích cho cử tri và nhân dân.

Qua theo dõi “Diễn đàn Kinh tế năm 2021” cùng những chuyển động chính sách được kiến tạo từ chương trình này, đặc biệt là các quyết sách quan trọng được Quốc hội đưa ra qua Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV, tôi nhận thấy Diễn đàn đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tự cường, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị doanh nghiệp và đoàn kết sát cánh vượt qua khó khăn, thách thức. Các tọa đàm, chuyên đề tại Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho hoạch định chính sách, đặc biệt là về cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới; chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam; những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội xem xét, quyết định gói chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XIII và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Với những thành công lớn, sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Diễn đàn Kinh tế năm 2021, tôi cho rằng việc tổ chức thường niên Diễn đàn Kinh tế - Xã hội là việc làm cần thiết và có ý nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường như hiện nay, nhằm đưa ra được quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình.

Phóng viên: “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” sẽ được tổ chức với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Luật sư quan tâm đến chủ đề, nội dung nào trong Diễn đàn Kinh tế - Xã hội lần này?

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Chủ đề của chương trình “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội” lần này rất rộng, các ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ phải bao quát gần như mọi mặt của nền kinh tế. Tôi được biết, bên cạnh Phiên Toàn thể, hai Phiên chuyên đề của chương trình cũng có những nội dung chuyên sâu và thiết thực là: Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Cá nhân tôi, tôi quan tâm nhất đến vấn đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động. Ở tầm vĩ mô của Quốc hội, tôi cho rằng, việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động, phát triển lực lượng lao động cả về số lượng lẫn chất lượng không chỉ cần được nhìn nhận ở tình thế ứng phó hậu quả dịch bệnh, đưa ra phản ứng chính sách về việc hỗ trợ, mà cần được nhìn nhận tổng thể thành kế hoạch, chiến lược, chương trình để phát triển tổng thể thị trường lao động linh hoạt, bền vững trước những thách thức, biến cố tương tự như đại dịch vừa qua.

Theo tôi, thị trường lao động của chúng ta hiện nay phát triển chưa đồng bộ; chính sách thị trường lao động chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững. Quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng cầu lao động của nền kinh tế linh hoạt, hiện đại, hội nhập. Để giải quyết vấn đề nan giải này, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, dựa trên các tiêu chuẩn lao động quốc tế theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch. Cần tạo cung lao động đáp ứng thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Tăng cầu lao động thông qua phát triển kinh doanh sản xuất dịch vụ trong các thành phần kinh tế.

Ngoài ra, hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, cần hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập cho các đối tượng yếu thế như lao động di cư, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0… Cần có cơ chế, chính sách nhập khẩu lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và xu hướng già hóa dân số; điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động theo hướng duy trì và mở rộng các thị trường phát triển, có thu nhập cao.

Phóng viên: “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022” đã được chuẩn bị sẵn sàng với nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết. Luật sư có kỳ vọng gì vào chương trình lần này?

ThS.Ls Lại Xuân Cường: Quan sát những chuyển biến chính sách tích cực, phù hợp, hiệu quả trong thời gian vừa qua với một phần kiến tạo là từ “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021”, không chỉ tôi mà nhiều người khác cùng đặt hy vọng “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam” lần này sẽ tiếp tục tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng trong thời gian tới. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu của nhiều lĩnh vực khác nhau, nên những ý kiến, đề xuất vừa mang hơi thở của đời sống, vừa đảm bảo tính hàn lâm chuyên sâu.

Tôi kỳ vọng rằng, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ lan tỏa mạnh mẽ thông điệp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo ba định hướng quan trọng:

Thứ nhất, phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là điểm quan trọng khẳng định bản chất của Nhà nước của dân, do dân, vì dân, là bước đi vững chắc trong việc xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, nền kinh tế của chúng ta tương đối vững vàng trước những biến cố khó lường của đại dịch cũng như tình hình quan hệ quốc tế, tuy nhiên, đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vẫn còn có những hạn chế. Tôi kỳ vọng diễn đàn này sẽ góp phần thúc đẩy các chính sách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo; thu hút, mở rộng cơ hội tham gia, thụ hưởng của người lao động đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hoàn thiện các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, hướng tới các chính sách kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Đây cũng là xu hướng toàn cầu trong thời gian tới, khi nhiều nước đã và đang nhanh chóng chuyển đổi sang các mô hình cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Để đạt được thành công, bắt kịp và vượt lên trên chặng đường mới này, chúng ta cần phải sớm nắm bắt và có hành động cụ thể. Thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng lâu dài, mà còn là yêu cầu trước mắt và cấp thiết của thực tiễn, vì vậy, tôi kỳ vọng Diễn đàn lần này sẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa những chương trình đã đề ra về việc thay đổi mô hình, phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Thứ ba, phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tăng cường ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hành chính, kinh doanh, quản trị, sản xuất là hướng đi đúng đắn để phục hồi một cách thông minh, sáng tạo, khoa học, bảo đảm có tốc độ phục hồi, phát triển cao. Việc xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là chìa khóa bứt phá của Việt Nam trong điều kiện mới, để nhanh chóng bắt kịp với các nước phát triển. Vì vậy, cần tập trung phổ cập kiến thức cho người dân, doanh nghiệp, tạo lập môi trường lao động hấp dẫn, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, cũng cần dành nguồn lực thích đáng để phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tôi không mong gì hơn là các chính sách được thảo luận từ Diễn đàn này sẽ đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực, vừa có tác động trước mắt lẫn lâu dài, đem lại lợi ích cho các thành phần kinh tế, cho cử tri và nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Hồ Hương

Các bài viết khác