CHUYÊN GIA QUỐC TẾ GỬI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP ĐẾN “DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2022”

17/09/2022

Trên cơ sở thành công của ‘’Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021’’ vào tháng 12/2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức diễn đàn với tên gọi ‘’Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2022” có chủ đề ‘’Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững’’.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022"

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022" gợi mở chính sách, thêm thông tin cho các quyết định quan trọng 

Diễn đàn là dịp bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có thêm dữ liệu; từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội... có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế gửi đến diễn đàn.

Giáo sư Luis Silva - Giảng viên kinh tế, Toronto, Canada

Giáo sư Luis Silva - Giảng viên kinh tế, Toronto, Canada: Gần đây, tổ chức y tế thế giới đã thông báo rằng chúng ta đang đến gần sự kết thúc của đại dịch COVID-19. Tin tức này đánh dấu một bước ngoặt, không chỉ đối với thế giới, mà còn cả với Việt Nam. Và đây là thời điểm phù hợp để thiết lập kế hoạch phục hồi kinh tế, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Việt Nam có thể củng cố nền kinh tế vĩ mô của mình bằng cách áp dụng các chính sách kết hợp phục hồi và phát triển bền vững. Ví dụ, Việt Nam là nước có trữ lượng dầu mỏ, nhưng nhiên liệu hóa thạch sẽ trở nên lỗi thời trong thời đại mới khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng và các ngành công nghiệp trên nhiều quốc gia đang chuyển hướng từ các nguồn năng lượng gây ô nhiễm sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Chính phủ Việt Nam có thể nghĩ đến việc đưa nguồn thu từ bán dầu vào quỹ dự trữ quốc gia với mục đích chi trả cho sự phát triển của các ngành năng lượng sạch ở Việt Nam, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và điện gió.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét liên kết hệ chính sách về thuế với các mục tiêu kinh tế. Ví dụ, chính phủ có thể xem xét việc giảm thuế bán hàng đối với việc mua xe điện để khuyến khích nhu cầu tiêu dùng lớn hơn đối với những loại xe này. Để bù đắp khoản thất thu này của chính phủ, thuế bán hàng cao hơn có thể được áp dụng đối với việc mua xe ô tô  chạy bằng dầu, do đó làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại phương tiện này. 

Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Và Việt Nam có thể sẽ đạt được các mục tiêu này vào đúng mốc thời gian đề ra.

Bà Irina Korguna - Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga

Bà Irina Korguna - Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga: Trước tiên, tôi đánh giá các tiêu chuẩn cho sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam có liên kết quan trọng với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã quan sát và nhận thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Tuy nhiên, kể cả khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% thì trước mắt vẫn còn nhiều thách thức mà chính phủ Việt Nam phải đối mặt, trong đó có các yếu tố ảnh hưởng từ quốc tế và một số vấn đề nội sinh. Và tất cả những vấn đề này cần có những giải pháp khác nhau do đặc thù dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của từng vấn đề. Vì vậy việc áp dụng các công cụ chính sách đặc thù riêng biệt cho từng vấn đề là cần thiết.

Đầu tiên là môi trường kinh tế toàn cầu. Đây là khía cạnh mang lại rủi ro lớn nhất trong thời điểm hiện tại. Chúng ta có thể thấy lạm phát tăng cao, nguy cơ xảy ra một sự đình trệ trong thị trường xuất khẩu với các quốc gia, tương tự với trường hợp của nước Mỹ. Cùng lúc đó chúng tôi cũng nhận thấy khả năng xảy ra một cơn sốc hàng hóa. Điều có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra nhưng tôi đánh giá khả năng xảy ra là khá cao, vì vậy việc chuẩn bị cho sự ngưng trệ này là cấp thiết.

Tác động của lạm phát có sức ảnh hưởng toàn cầu nên nền kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng, và hiện không có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động và kiềm chế lạm phát trên quy mô toàn cầu. Đương nhiên việc Việt Nam có khả năng tự chủ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm thiểu tác động của lạm phát lên các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và các nông sản khác. Khả năng tự chủ về nông nghiệp là một lợi thế quan trọng, tuy nhiên lạm phát cũng sẽ dẫn đến giá cả năng lượng tăng cao và điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu nhập của rất nhiều người và làm suy giảm sức tiêu thụ. Qua đó chúng ta cũng thấy được sự cần thiết của việc nâng cao thu nhập của nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên. Nhóm người có mức thu nhập thấp cần phải được hỗ trợ để đảm bảo thu nhập ổn định hay được cung cấp các cơ hội việc làm, qua đó đảm bảo một mức thu nhập tối thiểu để duy trì sức tiêu thụ.

Một trong các rủi ro khác là khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó Việt Nam đối mặt với thách thức lớn khi nền kinh tế phụ thuộc hơn 100% vào hoạt động xuất khẩu. Một trong các giải pháp là tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như ASEAN. Ngoài ra các bạn cũng có thể điều hướng một số hoạt động xuất khẩu sang một trong các thị trường xuất khẩu đang phát triển khác là Ấn Độ, từ đó gia tăng thêm sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Tôi được biết rằng Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp này và tôi tin rằng đây là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển mô hình sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang phục vụ thị trường nội địa nhằm thúc đẩy khả năng tiêu dùng trong nước đóng vai trò quan trọng. Đồng thời Việt Nam cũng cần cân nhắc xem xét mở rộng ngân sách, tăng cường đầu tư công, từ đó tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng thêm áp lực lên các chính sách tài khóa của Chính phủ. Tác động của việc suy giảm khả năng xuất khẩu sẽ khiến việc phân bổ ngân sách trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi sự khéo léo cân bằng giữa các khoản chi và nguồn thu.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, các vấn đề được kể trên chỉ mang tính trung hạn trong khi việc đưa ra các giải pháp cho các vấn đề dài hạn mà Việt Nam phải đối mặt là tâp trung phát triển công nghệ và nguồn nhân lực. Việt Nam đang duy trì lợi thế cạnh tranh dựa trên yếu tố lao động giá thành thấp. Tuy nhiên, trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn và mức thu nhập của người dân được cải thiện thì đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ tăng lên.

Việt Nam cần phải có sự chuyển đổi từ việc tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Công cuộc chuyển đổi này cần một nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất và ứng dụng các tiến bộ công nghệ cao trong sản xuất. Vì vậy, mặc dù phải đối mặt với các rủi ro từ lạm phát và các yếu tố khác, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục đầu tư phát triển nâng cao năng lực đổi mới nhằm hỗ trợ công cuộc chuyển đổi của nền kinh tế, trong đó cần tập trung đầu tư cho giáo dục nhằm cung cấp cho thế hệ trẻ các kiến thức cần thiết để đương đầu với các thách thức lớn hơn trong tương lai, bởi nền kinh tế sẽ tiếp tục thay đổi, với tác động của sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, big data và công nghệ học máy. Đây là những chuyên ngành đóng vai trò định hình tương lai, vì vậy cần nâng cao trình độ lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực này, nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam với các thách thức trong tương lai. 

Tiến sĩ Patrick Horvath - Tổng Thư ký Quỹ Chính sách kinh tế khoa học (WIWIPOL), Cộng hòa Áo

Tiến sĩ Patrick Horvath - Tổng Thư ký Quỹ Chính sách kinh tế khoa học (WIWIPOL), Cộng hòa Áo: Tôi rất vui khi hội nghị này tập trung đặc biệt vào chủ đề phát triển kinh tế bền vững, chủ đề mà tôi nghĩ là rất quan trọng đối với tương lai của hành tinh chúng ta. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai nước Áo và Việt Nam rất quan trọng để cho cả hai nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa 2 nước, chúng ta có thể cùng nhau vượt qua khủng hoảng. Quan hệ thương mại giữa Áo và Việt Nam đang trên đà phát triển rất tốt. Cán cân thương mại đang ở mức tích cực cao đối với Việt Nam, giúp Việt Nam thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi năm.

Với Cộng hòa Áo, có một lĩnh vực khác có tiềm năng rất lớn chưa được tận dụng, đó là lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đặc biệt là đầu tư công nghiệp. Áo là quốc gia công nghiệp hàng đầu, một quốc gia công nghiệp hóa cao, nơi có nhiều doanh nghiệp đứng đầu thị trường thế giới. Hiện tại mới có 50 doanh nghiệp đến từ Áo đang hoạt động tại Việt Nam trong đó chỉ có 15 cơ sở sản xuất, với tiềm năng cao của Áo trong lĩnh vực công nghiệp thì sẽ cần có nhiều cơ sở sản xuất hơn nữa. Và nếu muốn thuyết phục các doanh nghiệp Áo đầu tư vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc giao tiếp nhiều hơn và cung cấp thêm thông tin cho người dân Áo là cần thiết.

Đề xuất thứ hai, tôi cho rằng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một tình huống khó xử. Kinh tế đất nước đang có tốc độ phát triển vượt bậc và tôi rất ấn tượng về sự năng động cao của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thật không may, sự tăng trưởng kinh tế rất quan trọng để đảm bảo sự giàu có trong tương lai của đất nước cũng gây tổn hại đến môi trường ở một mức độ nhất định.

Tôi nghĩ rằng, một bài toán nan giải sẽ là làm thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, làm thế nào để tạo ra của cải cho người dân nhưng đồng thời cũng phải bảo tồn được thiên nhiên phong phú mà Việt Nam vốn có được. Tôi nghĩ rằng Áo có thể giúp Việt Nam về việc này bởi vì Áo là quốc gia dẫn đầu thị trường thế giới về công nghệ môi trường, về sự đổi mới. Tôi nghĩ Áo nên hỗ trợ Việt Nam những giải pháp thông minh, để phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Một quan hệ đối tác xanh giữa Áo và Việt Nam, có thể giữa các doanh nghiệp, các không gian xanh. Và tôi cho rằng có nhiều tiềm năng cho các dự án như vậy trong lĩnh vực này.

Đề xuất thứ ba và quan trọng nhất của tôi để củng cố nền kinh tế Việt Nam lại liên quan đến một lĩnh vực khác. Tôi cho rằng chìa khóa của sự phát triển bền vững là giáo dục.

Việt Nam được may mắn có rất nhiều người trẻ tuổi có tiềm năng và điều quan trọng là phải đầu tư vào những người trẻ tuổi này. Tôi cũng là tình nguyện viên của một tổ chức có tên Asian Vienna, chúng tôi có liên hệ rất chặt chẽ với hội sinh viên Việt Nam tại Viên.  Chúng tôi đã tổ chức miễn phí xem các buổi hòa nhạc cho sinh viên để họ có thể thưởng thức văn hóa của Áo.  Tới đây, các sự kiện nghề nghiệp, tư vấn cho sinh viên Việt Nam, về cách viết một CV hay hoặc làm thế nào để tạo dựng sự nghiệp trong một công ty quốc tế sẽ được chúng tôi tổ chức. Điều quan trọng, là đầu tư vào tương lai. Tôi luôn bị bất ngờ khi thấy rằng có rất ít cơ hội để các bạn trẻ đạt được học bổng du học. Tôi nghĩ rằng việc gây quỹ trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Chúng ta phải tìm đối tác kinh tế tư nhân để giúp các bạn trẻ Việt Nam phát triển. Nếu chúng ta đầu tư vào những người trẻ tuổi ở Việt Nam, nếu chúng ta có thể cho họ một nền giáo dục tốt ở nước ngoài, một ngày nào đó họ có thể quay trở lại, mang kiến thức của họ về Việt Nam và xây dựng đất nước này phát triển và tạo ra một chiều hướng mới của sự giàu có.

Tôi nghĩ rằng đây là điều Việt Nam xứng đáng có được: sự giàu có và thịnh vượng. Và tôi hy vọng rằng người Áo chúng tôi có thể ủng hộ điều đó./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Các bài viết khác