ĐBQH Nguyễn Thị Xuân: Không được phép từ chối xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp
Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.
Ông Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ).
Thay mặt Ban Cơ yếu chính phủ, ông Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin cho biết: Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 có đưa ra mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm cán bộ, công chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; đến năm 2030, phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại.
Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 có quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phối hợp với cơ quan chủ quản hệ thông thông tin quan trọng quốc gia trong việc giám sát an toàn thông tin mạng hệ thống giám sát an toàn thông tin, giải pháp phòng chống mã độc, kết hợp với giải pháp bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý và phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã từng bước kiện toàn bộ máy, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Hạ tầng kỹ thuật dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được xây dựng tiên tiến, hiện đại, làm chủ mật mã và đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn và bảo mật thông tin, trong đó có dịch vụ cấp dấu thời gian để tăng cường an toàn, xác thực cho các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Tính đến tháng 6/2022, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phát trên 500.000 chứng thư số. Trong đó, đối với cơ quan cấp Bộ, ngành, địa phương đã cấp chứng thư số cho tổ chức đạt 100% và chứng thư số cho lãnh đạo đạt khoảng 100%. Đối với cấp Vụ, Cục, Sở và tương đương đã cấp cho tổ chức đạt khoảng 96% và chứng thư số cho lãnh đạo đạt khoảng 98%. Đối với cấp xã, phường và tương đương đã cấp chứng thư số cho tổ chức đạt khoảng 98% và chứng thư số cho lãnh đạo đạt khoảng 49%.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin Lê Quang Tùng, cho đến nay, đã có 92% Bộ, cơ quan ngang Bộ; 83% cơ quan thuộc Chính phủ; 91,07% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Phần lớn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, có cơ quan đạt 100% số lượng dịch vụ công hoàn toàn sử dụng chữ ký số.
Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước được tiến hành thường xuyên. Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình ứng dụng chữ số trong cơ quan nhà nước, qua đó kịp thời xác định những hạn chế, khó khăn và biện pháp xử lý.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật và hiện trạng, kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao của Ban Cơ yếu Chính phủ; để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và kế thừa các kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin Lê Quang Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh, một số điều của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo đó, tại Mục 2, Chương IV quy định về Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem lại khoản 1 Điều 31, chỉnh sửa, bổ sung như sau: “1. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử an toàn, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng Chính phủ và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng được phép thực hiện các hoạt động chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật”.
Bổ sung 01 khoản tại Điều 31, cụ thể như sau: “2a. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng Chính phủ là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử cho các cơ quan Đảng, Nhà nước”. Bổ sung 01 khoản tại Điều 32: “5. Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý, duy trì Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng Chính phủ. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng Chính phủ”.
Về bổ sung 01 khoản tại Điều 43, cụ thể như sau: “4a. Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý duy trì dịch vụ cấp dấu thời gian phục vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng Chính phủ
Tại khoản 2 Điều 77, đề nghị bổ sung 01 điểm: "c". Các loại hình giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước nếu áp dụng chữ ký điện tử thì sử dụng dịch vụ chữ ký điện tử do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng Chính phủ. Tại Mục 1, Chương IX, đề nghị bổ sung nội dung Quy định về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử, đồng thời giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan quản lý, triển khai, cụ thể như sau: “89a. Quy định về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử”.
Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin Lê Quang Tùng cho biết, hiện nay, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về việc công nhận giá trị pháp lý công nghệ sổ cái phân tán như công nghệ Blockchain (công nghệ sổ cái phân tán - DLT), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp lý về công nghệ Blockchain trong dự án Luật.
Trong các giao dịch điện tử hiện nay, có rất nhiều giao dịch điện tử giữa cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin Lê Quang Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về các loại hình giao dịch điện tử này sao cho phù hợp, liên thông với thông lệ quốc tế. Việc bảo vệ dữ liệu điện tử phải quy định có thời hạn, tại khoản 32 Điều 4 có quy định: “…thì cho đến khi không còn hiệu lực”, đề nghị làm rõ thời gian hiệu lực của dữ liệu điện tử. Đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ trong các khái niệm giữa “Lưu trữ” và “Lưu giữ” để phù hợp với Luật Lưu trữ./.