Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc sửa đổi Luật Giá, bổ sung Dự án Luật Giá (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Về nội dung cụ thể, đối với tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí như trong Luật hiện hành, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh;” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhật tại Luật Giá.
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tại nội dung chính sách đã đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc được quy định tại Luật nhằm tăng cường sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án: Luật quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá kèm theo thẩm quyền, hình thức định giá cụ thể. Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh lập đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cận.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường
Bên cạnh đó, về tính thống nhất của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xác định rõ nguyên tắc: các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này. Thưởng trực Ủy ban cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, trong số 72 điều, có đến 13 điều giao Chính phủ, trong đó có nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của Luật.
Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, theo quy định hiện hành, Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định trong Luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc điều chỉnh. Nay Dự thảo Luật sửa theo hướng Chính phủ có thẩm quyền: “Quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá”. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị giữ như hiện hành vì: Thứ nhất, giá là vấn đề tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đề nghị nội dung về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, cần giữ nguyên như quy định trong Luật hiện hành để hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung-cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, việc quy định rõ Danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong luật quy định các nguyên tắc để xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, còn cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần rà soát kỹ, thận trọng và thuyết minh thuyết phục hơn đối với từng hàng hóa, dịch vụ đưa vào danh mục. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các loại mặt hàng bổ sung hoặc loại bỏ để bảo đảm tính bao quát, tính hợp lý, tính dự báo, trường hợp áp dụng bình ổn giá, cơ chế xử lý trong trường hợp khẩn cấp thì cần làm rõ xử lý như thế nào để bảo đảm các nguyên tắc về các biện pháp chủ yếu để bình ổn giá, điều hòa cung cầu, điều hòa sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu, tổ chức lưu thông hàng hóa, áp dụng các giải pháp tài chính, tiền tệ.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá có 40 mặt hàng trong phụ lục của luật, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm, nếu như theo danh mục này thì gần như Nhà nước quy định giá toàn bộ các mặt hàng, như vậy có đảm bảo tính công bằng ở thị trường hay không và như vậy chúng ta có vi phạm quy luật tự điều tiết giá cả thị trường hay không.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Trình bày quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với đề nghị cân nhắc quy định tiêu chí để hàng hóa, dịch vụ đưa vào bình ổn giá và giao Chính phủ ban hành điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, vấn đề này hiện đang được luật hiện hành giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị rà soát kỹ, lập luận đầy đủ để xem thực tiễn thi hành Luật Giá hiện nay có vấn đề gì bất cập trong việc quy định về danh mục bình ổn giá và danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Hiện nay trong dự thảo luật đang đề xuất là giao Chính phủ ban hành danh mục bình ổn giá, còn đối với danh mục hàng hóa định giá thì quy định ở trong luật nhưng cả 2 danh mục này trong trường hợp cần thiết, dự thảo luật giao Chính phủ sẽ điều chỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần làm rõ thêm những tồn tại, bất cập nếu có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Điều 19 của Luật Giá hiện hành, xác định rõ nguyên nhân và từ đó có có điều chỉnh, nếu cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các quy định về danh mục, tiêu chí xác định danh mục, biện pháp, trách nhiệm, thẩm quyền quy định và điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Trường hợp áp dụng bình ổn giá, cơ chế xử lý trong từng trường hợp, trong trường hợp khẩn cấp lưu ý các biện pháp chủ yếu để bình ổn giá là điều hòa cung cầu, điều hòa sản xuất trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu, tổ chức lưu thông hàng hóa, áp dụng các giải pháp tài chính, tiền tệ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phương pháp định giá. Các quy định cần cụ thể, tránh cách hiểu khác nhau hoặc chung chung dẫn đến tùy tiện áp dụng, đồng thời đảm bảo vai trò của Nhà nước, không tạo lỗ hổng trong quản lý và phòng, tránh tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, tham nhũng trong hoạt động quản lý giá, nhưng không gây ách tắc hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.