HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG PHỤC VỤ CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG QUỐC GIA

23/09/2022

Với mục tiêu cung cấp thêm thông tin về thực tiễn phát triển năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới phát triển bền vững, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia” vào sáng 23/9. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì Hội thảo.

Đoàn ĐBQH Việt Nam dự Hội nghị khu vực chấu Á - Thái Bình Dương về SDDs tại Pakistan

Toàn cảnh Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia” 

Tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ “định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -2030 là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu…; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường.”

Trên tinh thần định hướng của Đảng, tại hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp quốc tế về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ  tướng Chính phủ đã cam kết: Việc Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tuyên bố tại COP26 là một bước đột phá của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam thành một nước văn minh, hiện đại tương xứng với mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đến năm 2045 và phù hợp với việc hội nhập toàn cầu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, năng lượng rất cần thiết trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Việc phát triển năng lượng tái tạo được coi là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh của các quốc gia. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng hành với các cơ quan của Chính phủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, hội thảo được tổ chức nhằm chủ động tham mưu và cập nhật thêm kiến thức về phát triển năng lượng với mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến

Hội thảo được tiến hành với 03 phiên, trong đó: Phiên 1 - Tình hình phát triển năng lượng trên thế giới và Việt Nam; Phiên 2 - Kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi công nghệ phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững và kinh nghiệm cho Việt Nam; Phiên 3 - Thảo luận.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về: Tổng quan ngành năng lượng Việt Nam; thực trạng tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam; Hiện trạng triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam và phương hướng trong thời gian tới; Giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nghe đại diện Đại sứ quán một số quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về tình hình phát triển năng lượng và kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu; kinh nghiệm của Hoa Kỳ về chuyển đổi năng lượng; những khuyến nghị cho Việt Nam trong chính sách phát triển năng lượng bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ hội, thách thức trong phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững; Khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan; Vai trò của Quốc hội, Chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách pháp luật cho Việt Nam.

Bà Kristina Buende, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn EU chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời và tiềm năng về năng lượng gió dồi dào trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn, một số đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, cần tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu quan trắc; xây dựng cơ sở dữ liệu số và thành lập các bản đồ số tiềm năng chi tiết cho từng khu vực để kết quả tính toán tiềm năng năng lượng gió và bức xạ mặt trời có thể sử dụng hiệu quả hơn nữa cho các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế tại từng khu vực cụ thể.

Ngoài ra, về lâu dài, nhằm phục vụ phát triển bền vững và vận hành hiệu quả cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, cần phát triển các công cụ tích hợp sản phẩm dự báo mô hình, quan trắc vệ tinh, radar để thiết lập các sản phẩm chuyên về cảnh báo thiên tai, dự báo tác động để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo; Phát triển sản phẩm dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực dựa trên công nghệ mô hình số trị để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo.

Liên quan đến khuyến nghị chính sách pháp luật cho Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị, Việt Nam cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho năng lượng tái tạo; tiếp tục nghiên cứu, ban hành và triển khai các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch; lồng ghép các mục tiêu khí hậu với việc sản xuất điện, thị trường carbon và công nghiệp;...

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung điều hành nội dung thảo luận 

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh - Bộ Công thương trình bày về tổng quan ngành năng lượng tại Việt Nam

Bà Kristina Buende, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn EU chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích về thực trạng và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”

Ông Jonathan Colde - CEO Corio Generation cho biết về hiện trạng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, chính sách và pháp lý thúc đẩy phát trienr điện gió ngoài khơi đảm bảo an ninh, kinh tế, lợi ích nhà đầu tư

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích về hiện trạng triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam va phương hướng trong thời gian tới

Ông Nguyễn Hải Long - Tập đoàn AES chia sẻ về các dự án điện khí ở Việt Nam

Ông Ngô Xuân Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết về tình hình thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phục vụ cá mục tiêu phát triển bền vững

ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia 

Đại diện Đại sứ quán Mỹ

Đại diện Ngân hàng Thế giới

Đại biểu Quốc hội  Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia thảo luận

Hội thảo nhằm cung cấp thêm thông tin về thực tiễn phát triển năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng,/.

Lan Anh - Nghĩa Đức