TĂNG CƯỜNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ, TẬN DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

28/09/2022

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đóng góp ý kiến về vấn đề hoạch định chính sách phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô.

Toàn cảnh Đại hội Đảng lần thứ XIII 

Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã thống nhất mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà cụ thể là: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra các chỉ tiêu cần đạt được cho giai đoạn 2020-2025 về kinh tế số như đã nêu tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, cụ thể kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2025, khoảng 30% GDP đến năm 2030. Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học-công nghệ; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”. Ở đây, cần chú ý cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để nâng cao hiệu quả sử dụng. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, chú trọng đến cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, phát triển khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế cũng là điểm nhấn, theo đó văn kiện nêu rõ: “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60%-65%”.

Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành kinh tế qua các kỳ Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về nội dung này. Cụ thể: Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thế tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu tổng quát là “đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết 24 đề ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/7/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14; Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá về kết quả thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu quan trọng trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn đã đặt ra tại Đại hội Đảng. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng đạt mức khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế duy trì xu hướng tăng cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 6,78%/năm (cao hơn mức trung bình 5,91%/năm giai đoạn 2011-2015; riêng năm 2018 và 2019 tương ứng đạt 7,08% và 7,02%, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và trên thế giới. Năm 2020-2021, do tác động của COVID-19, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam suy giảm đáng kể nhưng vẫn tương đối khả quan so với nhiều quốc gia, khu vực khác trên thế giới (lần lượt đạt 2,91% và 2,58%). GDP bình quân đầu người liên tục gia tăng, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022

Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được cũng cố; sức chống chịu của nền kinh tế có cải thiện so với giai đoạn trước. Lạm phát duy trì ở mức hợp lý và ổn định, giảm từ 18,6% năm 2011 xuống 0,6% năm 2015; và tiếp tục duy trì với mức không quá 3,5% trong giai đoạn từ 2016 đến nay. Tình hình thu-chi NSNN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách. Cơ cấu thu có sự thay đổi tích cực, tăng tỷ trọng thu nội địa; giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư. Bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP giảm dần qua các năm, bảo đảm an toàn nợ công, giảm áp lực trả nợ lên NSNN và đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Các chuyên gia cũng cho biết, trong bối cảnh Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thành tựu CMCN 4.0 trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số, và bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận.

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch sang các ngành thâm dụng công nghệ và hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn (công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, CNTT, v.v.). Công nghiệp năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động. Công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được định hướng lại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước (nòng cốt là khu vực kinh tế tư nhân) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được chú trọng xây dựng. Giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam 2022

Nhìn chung, kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô. Chuyển dịch cơ cấu ngành, lĩnh vực diễn ra tích cực theo hướng chú trọng khai thác các thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành Việt Nam có lợi thế trong chuỗi giá trị và sản xuất quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh để thu hút tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong và ngoài nước. Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tận dụng hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu rõ, nền kinh tế nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên), đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành theo mục tiêu theo kế hoạch đặt ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra; mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Ngoài ra, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công vẫn còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành/lĩnh vực còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu các ngành theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa tạo được nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện. Các chuyên gia cho rằng cần phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan của các tồn tại, hạn chế này, để có các giải pháp tháo gỡ khả thi, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Minh Hùng