QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 04/10/2022

04/10/2022

Ngày làm việc thứ Hai của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì làm việc với Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Đoàn Ủy ban Đối ngoại kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Nam Phi và Cộng hòa Namibia… là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày hôm nay (04/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 03/10/2022

* Ngày 04/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ hai.

Buổi sáng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường. Thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ NGÀY LÀM VIỆC THỨ HAI CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

* Cũng trong chiều nay (04/10), tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có cuộc làm việc với Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bjorn Andersson. 

Đánh giá cao sự hợp tác cũng như hỗ trợ của các cơ quan Liên hợp quốc đối với Việt Nam nói chung và với Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói riêng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đặc biệt cảm ơn Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã hợp tác và hỗ trợ Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục triển khai các hoạt động liên quan đến dân số - phát triển, bình đẳng giới, gia đình, thanh niên, phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới thông qua các chu kỳ dự án từ những năm 1990 trở lại đây; hỗ trợ Việt Nam tham gia các đoàn thăm quan, học tập kinh nghiệm về hoạch định chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình, về dân số tại Úc và Hàn Quốc. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh khẳng định sự hỗ trợ này rất là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi chính sách dân số, từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI GIÁM ĐỐC QUỸ DÂN SỐ LIÊN HỢP QUỐC KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

* Đoàn Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Anh Tuấn làm Trưởng đoàn vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Nam Phi và Cộng hòa Namibia.

Trong các cuộc gặp làm việc, hai Bên đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp về chính trị giữa Việt Nam với Nam Phi và Việt Nam với Namibia; nhấn mạnh các mối quan hệ này khởi nguồn từ rất lâu trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, bắt nguồn từ sự gần gũi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của mỗi nước. Với Nam Phi, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã có từ rất lâu, đặc biệt là trên kênh đảng, trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993. Việt Nam có quan hệ đoàn kết với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi, luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi, luôn ủng hộ quá trình cải cách và phát triển của nước Bạn. Với Namibia, hai nước có quan hệ đoàn kết, truyền thống tốt đẹp từ những năm 70, trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990.

Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại và các Nghị sĩ Quốc hội Nam Phi và Namibia bày tỏ tình cảm sâu sắc đối với đất nước, dân tộc Việt Nam, tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhấn mạnh Việt Nam là nguồn cảm hứng cho hai dân tộc Nam Phi, Namibia trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước cũng như trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay. Chủ tịch Quốc hội Namibia bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đảng cầm quyền của Namibia, đặc biệt trong những giai đoạn đầu khó khăn của đất nước khi mới giành độc lập và thành lập nước Cộng hòa Namibia. Lãnh đạo hai nước cũng bày tỏ sự ấn tượng, chúc mừng những thành tựu phát triển của Việt Nam để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ở khu vực; đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: UỶ BAN ĐỐI NGOẠI THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI NAM PHI VÀ NAMIBIA

* Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án Luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)... Nhằm tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu để hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 4/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VIệt Nam VCCI phối hợp với Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn tổ chức tọa đàm góp ý về nhóm vấn đề nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Tham gia tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cùng với qua trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, tình trạng bỏ hoang đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Trong khi đó, những người ở lại nông thôn lại rơi vào trình trạng thiếu đất sản xuất. Các đại biểu đề nghị cần Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp không được để hoang hoá, không đưa vào khai thác sử dụng.

Cụ thể, cần có cơ chế để người cần sử dụng đất được tiếp cận nguồn đất đai, như quy định cụ thể về hình thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức, cá nhân tăng diện tích đất nông nghiệp, phát triển mô hình nông nghiệp quy mô lớn; chính sách khuyến khích hình thành các hiệp hội phát triển mô hình nông nghiệp tập trung mà không thay đổi chủ sở hữu đất. Đối với Điều 108 về ngân hàng đất nông nghiệp, một số đại biểu băn khoăn: Liệu ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng không?

Xem nội dung chi tiết tại đây: NGHỊCH LÝ KHI NÔNG DÂN LOAY HOAY VÌ THIẾU ĐẤT SẢN XUẤT

* Cũng trong sáng nay, nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện các Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị cho ý kiến về một số dự án Luật như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tại Hội nghị, các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật đất đai đề xuất bỏ khung giá đất là hoàn toàn hợp lý, nâng cao tính thương mại của quyền sử dụng đất, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, giúp thị trường minh bạch, lành mạnh, không còn hiện tượng trục lợi trên đất đai. Tuy nhiên theo các Luật sư, để xác định giá thị trường, đảm bảo tính công bằng, minh bạch là một thách thức không hề nhỏ.

Với những băn khoăn này, các luật sư cho rằng bên cạnh việc bỏ khung giá đất, cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất ngay trong dự thảo Luật. Điểm mấu chốt là cần quy định làm sao để bảng giá đất sát với thị trường và việc ứng dụng nó trong thực tiễn thuận lợi nhất.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: QUY ĐỊNH RÕ CƠ CHẾ, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG

* Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quan tâm đến những vấn đề cốt lõi của Dự án Luật này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong Luật Đất đai hiện hành, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nêu rõ, điều đầu tiên phải làm trong sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải giải thích một cách chính thức khái niệm tích tụ và tập trung đất nông nghiệp nhằm khắc phục những cách hiểu khác nhau, hạn chế sai lệch không cần thiết. Do đó, trong sửa đổi Luật cần bổ sung quy định giải thích cụ thể về khái niệm tích tụ đất nông nghiệp; khái niệm tập trung đất nông nghiệp để có cách hiểu thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đạt hiệu quả. Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng không nên quy định về hạn mức giao đất, cho thuê đất nông nghiệp mà thay thế bằng việc bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp.

Đồng thời, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cần bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp bằng việc bổ sung quy định giao, cho thuê đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài như đối với đất phi nông nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cần bổ sung quy định các trường hợp cụ thể thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cụ thể quy định rõ. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành theo hướng cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đi kèm điều kiện như phải có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất nông nghiệp, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp, phải có trụ sở hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gần vùng sản xuất…

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS NGUYỄN QUANG TUYẾN: HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP NHẰM SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI HIỆU QUẢ TRONG BỐI CẢNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

* Cũng quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có vai trò to lớn trong tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. 

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những điểm mới lớn, đột phá tại Nghị quyết 18-NQ/TW cũng chính là những yêu cầu lớn trong chủ trương của Đảng đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.

Việc thể chế hoá chủ trương mới của Đảng về quản lý và sử dụng đất sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và thống nhất, bảo đảm cho Nhà nước có đầy đủ công cụ pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu, chủ thể sử dụng đất; hạn chế được tiêu cực, lạm dụng. Những yếu tố đó cùng với việc bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất sẽ góp phần giảm thiểu lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS NGUYỄN HỒNG SƠN: ĐIỂM MỚI, ĐỘT PHÁ TẠI NGHỊ QUYẾT 18-NQ/TW LÀ NHẰM HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ ĐẤT ĐAI

* Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Để có thêm thông tin, góc tiếp cận trong qua trình xây dựng cũng như thông qua dự luật, việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết.

Qua cân nhắc xem xét cả hai hệ thống bảo vệ người tiêu dùng của các nước trên thế giới nêu trên, Bộ Công thương cho rằng, không có hệ thống nào có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro cho người tiêu dùng. Hệ thống quy định tiêu chuẩn không thể làm được điều này, do các cơ quan chức năng không có đủ thông tin về các hành vi vi phạm quy định của các doanh nghiệp, cũng như chi phí thực thi cao, v.v. Trái lại, hệ thống quy trách nhiệm pháp lý lại thất bại do các bên liên quan có thể không đủ khả năng bồi thường thiệt hại, hoặc cơ quan phân xử không thể buộc tội họ do bằng chứng không thuyết phục hoặc các thủ tục pháp lý phức tạp.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, bất cập về việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (sửa đổi) nên tiếp cận theo hướng kết hợp tối đa hai hệ thống này, theo đó: Đối với các quy định về tiêu chuẩn, an toàn của người tiêu dùng hiện đang được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật khác thì sẽ quy định theo hướng dẫn chiếu. Đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng chưa được quy định tại các văn bản nào: thương mại điện tử, hợp đồng tiêu dùng, trách nhiệm đối với sản phẩm, tiêu dùng bền vững, bán hàng trực tiếp, tận cửa, liên tục,… hoặc quy định không rõ ràng thì sẽ được làm rõ tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: GÓC TIẾP CẬN TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

* Sáng 04/10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Chi bộ Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tiến hành Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2022, Chi bộ Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã có nhiều cố gắng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao; xây dựng khối đoàn kết, nhất trí cao, phát huy được sức mạnh tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; sinh hoạt chi bộ được duy trì với nhiều hình thức gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư Chi bộ Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, nhiệm kỳ 2020 - 2022 vừa qua với khối lượng công việc lớn, tập thể Chi bộ Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn được giao. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu tin tưởng, với những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020 - 2022, Chi bộ sẽ tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ mới, đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẠI HỘI CHI BỘ BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ NHIỆM KỲ 2022 - 2025

* Chiều 4/10, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, 22 Hùng Vương, Chi bộ Văn phòng Đảng – Đoàn thể thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương đánh giá cao Chi bộ Văn phòng Đảng - Đoàn thể, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, gương mẫu, trách nhiệm và sáng tạo, Chi bộ đã hoàn thành khối lượng lớn công việc. Nổi bật là đã tham mưu, phục vụ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bước vào nhiệm kỳ mới, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội đề nghị, Chi bộ Văn phòng Đảng - Đoàn thể cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lãnh đạo đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ Đảng ủy, các đoàn thể triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẠI HỘI CHI BỘ VĂN PHÒNG ĐẢNG – ĐOÀN THỂ NHIỆM KỲ 2022 - 2025

* Cũng trong hôm nay (04/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và lấy ý kiến góp ý cho các Dự án Luật sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới:

- Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm các đại biểu: Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp xúc cử tri 6 xã trên dịa bàn huyện Xuyên Mộc, gồm: Bưng Riềng, Bông Trang, Bình Châu, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc (ảnh dưới). Tại buổi tiếp xúc, các ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  đã thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến 18/11); Tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022; Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH giữa hai kỳ họp thứ Ba và thứ Tư; Báo cáo tổng hợp kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương.

- Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng và Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với các quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình được quy đinh tại các Điều 17 và 18 của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Điều này đã thể hiện rõ việc lấy phòng ngừa là chính; đồng thời, hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để không làm phát sinh bạo lực gia đình. Trong quá trình hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình,điều quan trọng nhất là phải lấy phụ nữ, người bị bạo lực làm trung tâm, đặt trong mối quan hệ với các đặc điểm văn hóa, quan hệ giới trong xã hội đương đại. Có như vậy, công tác hòa giải mới có thể mang lại hiệu quả thực sự bền vững, hướng tới xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. 

- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà). Tham dự tiếp xúc cử tri có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đăk Hà. Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã báo cáo chương trình, nội dung Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum sau kỳ họp thứ ba. Cử tri cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết một số vấn đề: Tình trạng sạt lở tại khu vực cống làng Kon Trang Kép, sạt lở cầu treo tại thôn 7, cử tri đề nghị các cấp hỗ trợ nguồn kinh phí để khắc phục tình trạng hư hỏng; năm 2021 có một số hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên đến nay các hộ dân chưa nhận được hỗ trợ; hiện nay, Luật Đất đai vẫn còn một số bất cập, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế để thuận tiện cho người dân trong việc làm thủ tục...

- Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (đơn vị bầu cử số 7) gồm các đồng chí: Phạm Thị Thanh Mai, Thành uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Trần Việt Anh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, sau khi nghe đại biểu Trần Việt Anh thông tin về dự kiến thời gian, nội dung kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc trước, cử tri huyện Phúc Thọ đã phát biểu, kiến nghị với Đoàn ĐBQH thành phố về các lĩnh vực dân sinh. Thay mặt các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 7, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp thu kiến nghị của cử tri huyện Phúc Thọ, đồng thời thông tin với cử tri về dự kiến các nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; các kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, đất nước và các giải pháp, nhiệm vụ lớn Thành phố đang tích cực triển khai, đặc biệt là giải ngân đầu tư công. 

- Chiều ngày 04/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước gồm các đại biểu: Điểu Huỳnh Sang, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước và đại biểu Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố Đồng Xoài. Tại buổi tiếp xúc, cử tri là cán bộ, viên chức các ngành, hội đặc thù và đại diện 8 xã, phường trên địa bàn thành phố Đồng Xoài kiến nghị các vấn đề, như: Cần quan tâm đến chính sách cho người có công; giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đất đai; cán bộ cần trách nhiệm hơn khi giải quyết những vấn đề cho nhân dân, không để người dân phải đi lại nhiều lần. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải rõ ràng về đường giao thông, thửa đất... Ngoài ra, một số cử tri cũng kiến nghị xem xét chế độ tiền lương cho cán bộ, viên chức trong thời điểm giá cả leo thang; chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã. 

- Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 04/10/2022, các đại biểu Hà Thọ Bình, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV; Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tại cuộc tiếp xúc, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đã báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và một số hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội từ sau kỳ họp thứ ba đến nay. Theo đó, dự kiến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét xem xét thông qua 07 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 07 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. 

- Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 4/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An gồm các đại biểu: Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Quỳ Hợp. Tại cuộc tiếp xúc, Đại biểu Quốc hội Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh cảm ơn tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các cử tri quan tâm phản ánh những vấn đề từ thực tiễn và khẳng định sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đại biểu Vi Văn Sơn cũng giải trình làm rõ ý kiến của cử tri liên quan đến đầu tư hạ tầng một số công trình dân sinh trên địa bàn huyện thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Dự hội nghị có Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và các ĐBQH TP Hà Nội; Đại diện Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Tại hội nghị, các cử tri đánh giá, việc xây dựng một đạo luật riêng về phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật về lĩnh vực này. Cử tri cũng tập trung đóng góp ý kiến phạm vi, đối tượng điều chỉnh; Nội hàm khái niệm “phòng thủ dân sự”, “thảm họa”, “sự cố”; Hệ thống công trình, các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự; Làm rõ quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, cơ chế huy động, phối hợp trong phòng thủ dân sự và về tổ chức lực lượng, nguồn lực, chế độ, chính sách đối với phòng thủ dân sự…

Trọng Quỳnh