SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: GÓC TIẾP CẬN TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 20/10 tới đây
Nhiều bất cập trong quy định hiện hành
Hợp đồng theo mẫu hiện đang sử dụng phổ biến trong một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, điện, nước,… Tuy nhiên, điều bất cập ở đây là trên thực tế, khách hàng dường như không có quyền “thoả thuận” các điều khoản trong hợp đồng, một quyền được coi là cơ bản trong giao dịch dân sự.
Liên quan đến quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo Khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa hay các tiêu chí, nguyên tắc để xác định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Về hành vi cấm liên quan đến việc quy định các điều khoản không có hiệu lực trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo Khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau đây” và liệt kê chín trường hợp được xác định là không có hiệu lực. Tuy nhiên, theo Điều 122 và Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, xét mặt nội dung, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội mới vô hiệu.
Ngoài ra, hiện nay trong một số lĩnh vực, chẳng hạn mua bán bất động sản, mua bán điện, viễn thông, ngân hàng…, Nhà nước ban hành mẫu hoặc các yêu cầu cơ bản về nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng… Nhưng các quy định tương tự không được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng như pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định 9 trường hợp điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp này không thể bao quát hết các trường hợp không công bằng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trên thị trường
Khách hàng dường như không có quyền “thoả thuận” các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu
Tính minh bạch của các điều khoản mẫu
Về cơ bản, các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu về tính minh bạch của các điều khoản mẫu, chẳng hạn như: Tại Châu Âu, Điều 5 Chỉ thị Hội đồng Châu Âu 93/13/EEC quy định: “Trong trường hợp hợp đồng có tất cả hoặc một số điều khoản được cung cấp cho người tiêu dùng bằng văn bản, các điều khoản này phải được soạn thảo bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Khi có nghi ngờ về ý nghĩa của một thuật ngữ, cách giải thích có lợi nhất cho người tiêu dùng sẽ được ưu tiên”.
Hay, tại Úc, Điều 24 Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc quy định: "Khi xác định xem một điều khoản của hợp đồng là không công bằng theo nội dung trên hay không, tòa án có thể xét đến những vấn đề mà tòa án cho là có liên quan, nhưng phải xét đến mức độ minh bạch của điều khoản và toàn bộ hợp đồng. Một điều khoản là minh bạch nếu điều khoản đó được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản hợp lý; dễ đọc; được trình bày rõ ràng và luôn có hiệu lực với bất kỳ bên nào bị tác động bởi điều khoản".
Tương ứng Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam về các điều khoản không có hiệu lực, tính hiệu lực của các điều khoản mẫu trong Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được quy định phổ biến trên thế giới, trong đó pháp luật nhiều nước trên thế giới chia các điều khoản về tính hiệu lực thành hai phần: một định nghĩa hoặc một điều khoản chung quy định nguyên tắc xác định điều khoản không công bằng và danh mục các điều khoản không công bằng cụ thể.
Có thể thấy cách quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam 2010 về các yêu cầu đối với tính minh bạch của hợp đồng theo mẫu có sự tương đồng đáng kể so với các quy định của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 mới chỉ đặt ra yêu cầu về tính minh bạch đối với hợp đồng theo mẫu, chưa quy định các nội dung tương tự về điều kiện giao dịch chung. Trong khi đó, yêu cầu về tính minh bạch của các quốc gia trên thế giới điều chỉnh chung cho các điều khoản mẫu do doanh nghiệp soạn sẵn, không phân biệt hình thức tồn tại của các điều khoản mẫu đó. Theo đó, trong bối cảnh cả khái niệm hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung được đưa ra đồng thời trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Việt Nam cần có sự điều chỉnh giống nhau về yêu cầu minh bạch đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Cân bằng lại lợi ích cho người tiêu dùng khi tham gia giao kết hợp đồng theo mẫu
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh ưa chuộng sử dụng khi giao dịch với người tiêu dùng. Do hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do bên tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương ban hành, không có cơ hội cho người tiêu dùng thoả thuận hay thương lượng mà chỉ có đồng ý hoặc không đồng ý, người tiêu dùng là bên “yếu thế” đồng thời với việc mong muốn có được hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân đó cung cấp đã dẫn tới việc người tiêu dùng chấp nhận bất kỳ điều khoản nào mà thương nhân đưa ra. Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả thương nhân và người tiêu dùng về thời gian và chi phí, tuy nhiên xuất phát từ bản chất của hợp đồng dạng này nên việc áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có thể gây ra những bất lợi đáng kể với người tiêu dùng. Vì lẽ đó, pháp luật các nước cũng như Việt Nam đều có những quy định nhằm cân bằng lại lợi ích cho người tiêu dùng khi tham gia giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung từ Điều 23 đến Điều 28 với những thay đổi đáng kể so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể: Các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, HĐTM, ĐKGDC tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có những thay đổi đáng kể so với Luật hiện hành. Cụ thể dự thảo không còn quy định về khái niệm hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà sẽ áp dụng khái niệm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo. Tuy nhiên, vẫn có một số nội dung trong quy định cần tiếp tục làm rõ, chỉnh lý để hoàn thiện.
Cần thể hiện rõ đối tượng áp dụng
Theo ThS.Nguyễn Ngọc Quyên - Bộ môn Pháp luật Cạnh tranh & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đại học Luật Hà Nội, trong Dự thảo Luật hiện nay, khái niệm về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã không còn được quy định như trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Có thể hiểu rằng, khái niệm về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nên chúng ta sẽ sử dụng khái niệm trong Bộ luật Dân sự mà không xây dựng khái niệm riêng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh sự chồng chéo.
Về khái niệm hợp đồng theo mẫu, Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra” và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, hợp đồng theo mẫu được định nghĩa như sau: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
Về khái niệm điều kiện giao dịch chung, Điều 406 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này” và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, điều kiện giao dịch chung được định nghĩa như sau: “Điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng”.
ThS.Nguyễn Ngọc Quyên cho rằng, việc quy định như trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã thể hiện rõ hơn về đối tượng áp dụng của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là người tiêu dùng, và bên đơn phương đưa ra hợp đồng hay điều kiện là tổ chức, cá nhân kinh doanh chứ không chỉ quy định chung chung áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự như định nghĩa của Bộ luật Dân sự. Dự thảo sử dụng cụm từ “Hợp đồng theo mẫu” và “Điều kiện giao dịch chung” không thể hiện được đặc điểm của loại hợp đồng hay điều kiện này là chúng áp dụng cho người tiêu dùng. Do đó, có thể chỉnh sửa lại thành “Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung áp dụng với người tiêu dùng” trong các Điều khoản có liên quan để quy định chính xác hơn, chỉ khi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được áp dụng với người tiêu dùng mới chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh - Trường Đại học Luật Hà Nội
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải có quy định khái niệm hợp đồng theo mẫu, điều khoản mẫu (điều kiện giao dịch chung) trong quan hệ tiêu dùng một cách rõ ràng, đặc biệt khái niệm hợp đồng theo mẫu cần quy định cho đúng bản chất của quan hệ hợp đồng là phải được hình thành khi có 2 yếu tố là có đề nghị hợp đồng và có sự chấp nhận đề nghị hợp đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh đề xuất, khái niệm hợp đồng theo mẫu như sau “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng được hình thành trên cơ sở các điều khoản do tổ chức cá nhân kinh doanh đưa ra theo mẫu để người tiêu dùng trả lời trong thời gian hợp lý và người tiêu dùng trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ các điều khoản mà tổ chức, cá nhân đưa ra”.
Quy định về thực hiện hợp đồng theo mẫu phải rõ ràng, khả thi
Liên quan đến quy định về thực hiện hợp đồng theo mẫu, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, một số quy định tại dự thảo chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp lý, cụ thể: Tại khoản1, Điều 26: “Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Không rõ “thời gian hợp lý” sẽ được xác định như thế nào sẽ có thể gây ra những vi phạm không đáng có trong quá trình cá nhân, tổ chức giao dịch với người tiêu dùng; Tại khoản 3, Điều 26: “Hợp đồng theo mẫu phải được công bố công khai…để người tiêu dùng biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng”. Quy định này sẽ có khả năng đưa đến những cách hiểu khác nhau giữa người tiêu dùng, cá nhân và tổ chức kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là khi có tranh chấp xảy ra.
Về việc sử dụng ngôn ngữ của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung: Quy định tại Khoản 2 Điều 23 Dự thảo về ngôn ngữ của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt và tiếng nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn đã khắc phục được quy định cứng nhắc của Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 khi quy định ngôn ngữ bắt buộc phải là tiếng Việt.
Dự thảo đã khắc phục được sự hạn chế về ngôn ngữ thể hiện của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, bảo vệ triệt để người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng nước ngoài, không biết tiếng Việt.
Đồng thởi, dự phòng trường hợp xảy ra khi có sự khác biệt giữa bản hợp đồng hay điều kiện tiếng Việt và tiếng nước ngoài, Dự thảo quy định: “Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài, bản tiếng Việt được ưu tiên áp dụng” . Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc bảo vệ tốt nhất cho người tiêu dùng, cái gì có lợi cho người tiêu dùng sẽ được ưu tiên áp dụng thì quy định này nên được sửa lại như sau: “Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài, bản nào có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng”. Quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng một cách triệt để, tránh trường hợp có những điều khoản tiếng Việt lại bất lợi hơn cho người tiêu dùng so với bản tiếng nước ngoài./.