TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG BÍ THƯ KHAI MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA XIII
Theo chương trình, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 3/10 đến ngày 9/10 thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng:
(1) Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025.
(2) Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(3) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(4) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
(5) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; và một số vấn đề quan trọng khác, chủ yếu là về công tác cán bộ, công tác nhân sự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những khó khăn, thuận lợi, tình hình dịch bệnh, bối cảnh trong nước cũng như quốc tế tiếp tục có những diễn biến khó lượng, thách thức mới, nặng nề hơn.
Do vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ Báo cáo, Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ và thực tế ở bộ, ngành, địa phương nơi công tác, tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, với tinh thần thật sự công tâm, khách quan, khoa học, toàn diện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để vừa phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023. Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lập Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Là người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về ngành Tài chính, Kế toán, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định việc đánh giá đúng tình hình, lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách cần quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Thưa ông, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang thảo luận về 5 vấn đề lớn, trong đó có tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Vậy theo quan điểm của ông, bên cạnh thuận lợi, những khó khăn của nền kinh tế mà Việt Nam đang phải đối mặt là gì?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế: Theo tôi, những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt đó là tình hình kinh tế - xã hội của thế giới đang biến động khó lường, đặc biệt kinh tế thế giới có thể rơi vào trì trệ, nguy cơ suy thoái của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, có thể đẩy cả thế giới vào tình trạng lạm phát trì trệ. Nếu rơi vào tình trạng lạm phát trì trệ sẽ rất khó khắc phục, bởi kiểm tình trạng lạm phát cao đã khó nhưng lại phải đối mặt với tăng trưởng thấp thì càng khó hơn, chưa kể đến tình trạng việc làm ít, lao động thất nghiệp nhiều, chi tiêu giảm… đây là những thách thức cho việc hồi phục và tăng trưởng.
Một khó khăn nữa mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đó là giá nguyên nhiên vật liệu, cũng như năng lượng và nhân công đang cao đáng kể trên toàn cầu, điều này cũng tác động rất lớn đến nền kinh tế mở như Việt Nam. (Việt Nam đang nhập khẩu gần 40% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất).
Bên cạnh đó, công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đã đi đúng hướng nhưng vẫn chậm và chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt, tiến độ giải ngân đầu tư công thời gian qua luôn ở trong tình trạng “đầu năm chậm, cuối năm vội vàng” nên hiệu quả chưa cao, gây gây lãng phí nguồn lực, làm chậm lại sự phát triển. Đây là vấn đề chúng ta cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới để tạo động lực thu hút nguồn vốn.
Ngoài ra, một vấn đề cũng rất quan trọng, đó là công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, công bằng cũng còn chậm, chưa hiệu quả. Tôi cho rằng thời gian trước đây, cải cách hành chính được đẩy mạnh nhưng trong một vài năm gần đây có vẻ chậm lại. Thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong việc xâm nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường.
Phóng viên: Thưa ông, việc lập Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025 có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021-2025?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế: Tôi cho rằng, Kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm 2023-2025 càng có ý nghĩa quan trọng, bởi hai năm 2021, 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm 2020 và năm 2021 không cao. Mặc dù năm 2022, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 7,5 đến 8% hoặc cao hơn nữa, nhưng trong 3 năm 2023-2025 cần có sự bức tốc mạnh mẽ, tạo ra năng lực lớn hơn để bù trừ cho thời gian tăng trưởng thấp của đầu nhiệm kỳ. Như vậy mới có thể để đạt được mục tiêu nêu trong “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025” tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5% - 7%/năm.
Phóng viên: Thưa ông, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025 cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế: Điều quan trọng là chúng ta cần có giải pháp để huy động được các nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư công sẽ là nguồn vốn tạo ra sự thay đổi, tạo động lực, được coi là nguồn “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời thúc đẩy vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc đưa ra Kế hoạch tài chính - ngân sách có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó cần tiếp tục chú trọng triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ, góp phần làm cho nền kinh tế có độ ổn định để tăng trưởng và phát triển.
Dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang rất tốt, lạm phát được giữ ổn định, tỷ giá đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định. Tôi hy vọng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025 mà Hội nghị Trung ương 6 đang thảo luận sẽ gợi mở nhiều nội dung, giải pháp quan trọng, mang tính định hướng, tạo ra sự phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thực hiện cái cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu bởi xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang là động lực cơ bản để tăng trưởng và phát triển. Bên cạnh tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh, cũng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số. Hiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á. Tôi hy vọng trong thời gian tới, kinh tế số sẽ góp phần rất quan trọng trong việc tạo ra năng suất lao động cao hơn, tạo ra sự bứt phá để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, theo tôi, để Kế hoạch tài chính – ngân sách mang tính khả thi, hiệu quả, sát với thực tế, cần được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách Nhà nước; tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!