THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG NHỮNG ĐIỀU KHOẢN THEN CHỐT NHẰM GIẢI QUYẾT TỒN ĐỌNG, VƯỚNG MẮC

06/10/2022

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo kết luận số 1501/TB-TTKQH về nội dung này.

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UBTVQH: CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI 5 NHÓM CHÍNH SÁCH LỚN TRONG LUẬT ĐẤU THẦU

UBTVQH CHO Ý KIẾN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): CẦN NHẬN DIỆN RÕ NHỮNG VƯỚNG MẮC DO LUẬT HIỆN HÀNH VÀ BẤT CẬP DO KHÂU TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thông báo kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung sau: 

Về những vấn đề chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các chỉ thị, nghị quyết liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm đầu tư công, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước.

Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, quan điểm sửa đổi Luật, đề nghị rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt là những điều khoản then chốt nhằm giải quyết được những tồn đọng, vướng mắc hiện nay; không làm phát sinh thêm những tồn đọng, vướng mắc mới; không phát sinh những vấn đề phức tạp mới và nâng cao được chất lượng trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tổng kết để đánh giá toàn diện, đầy đủ kết quả 8 năm thực hiện Luật Đấu thầu năm 2013. Đối với các quy định mới cần rà soát kỹ, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ thuyết phục; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện Luật phù hợp với các Hiệp định Việt Nam đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Rà soát, đánh giá thực trạng về kết quả giảm giá qua công tác đấu thầu ở nhiều gói thầu rất thấp, dẫn đến việc các cơ quan chức năng đề xuất cấp có thẩm quyền để thực hiện chỉ định thầu có giảm giá. Trong khi có những dự án, gói thầu qua công tác đấu thầu giảm giá rất lớn, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Đề nghị phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chỉ rõ nguyên nhân vướng mắc do luật pháp hay do khâu tổ chức thực hiện để đề xuất giải pháp khắc phục.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, tình trạng thông thầu, tham nhũng trong đấu thầu còn diễn ra trên thực tế, cho thấy bên cạnh nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện, còn có nguyên nhân do quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, thiếu minh bạch. Do đó, đề nghị chỉ rõ những “lỗ hổng” trong quy định của pháp luật, giải pháp khắc phục để đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và người đứng đầu để sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản cụ thể trong Luật.

Rà soát đảm bảo thống nhất, đồng bộ các nội dung của Dự thảo Luật và giữa Luật Đấu thầu với các luật khác, cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa các quy định trong các nghị định đã áp dụng hiệu quả trong thời gian qua, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật.

Xác định rõ nguyên nhân vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực y tế từ nguyên nhân do quy định của Luật Đấu thầu hiện hành hay do quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành (như quy định là giá lần sau phải thấp hơn giá lần trước theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế…) để quy định trong Luật phù hợp, một mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mặt khác cần quy định chặt chẽ hơn.

Rà soát để bao quát đầy đủ thực tiễn phát sinh, quy định nguyên tắc áp dụng luật đối với các hoạt động phải đấu thầu, hoạt động không phải đấu thầu, trường hợp không áp dụng Luật Đấu thầu để tránh việc thống kê không phù hợp hoặc không đầy đủ.

Làm rõ khái niệm vốn nhà nước để thể hiện đúng phạm vi điều chỉnh của luật, tránh mâu thuẫn với các luật khác. Đồng thời, rà soát các quy định để hoạt động đấu thầu được thực hiện công khai, minh bạch trong môi trường cạnh tranh. Cụ thể các ưu đãi để thực hiện phù hợp với cam kết quốc tế, đối tượng ưu đãi và sử dụng lao động người yếu thế bảo đảm sự tương thích với các luật khác; hoàn thiện các quy định về ưu đãi đối với mua sắm, sản xuất trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh và quy định cụ thể hơn về các điều kiện ưu đãi. Cần quy định phù hợp việc mua sắm qua các tổ chức quốc tế và sử dụng dịch vụ tư vấn của nhà thầu nước ngoài để tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng hàng hóa gắn với cạnh tranh về giá.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý về các quy định về đấu thầu đối với những dự án có vốn Nhà nước và những dự án có vốn của doanh nghiệp nhà nước; các nội dung quy định mới như Điều 15 về hủy thầu và Điều 16 về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư; việc quy định đấu thầu hạn chế; việc bổ sung các trường hợp được chỉ định thầu; các nội dung liên quan đến việc lựa chọn tư vấn cá nhân, điều kiện áp dụng, thẩm quyền quyết định và quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; các nội dung liên quan đến hợp đồng, các hình thức hợp đồng, hợp đồng trọn gói; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đấu thầu, quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu; các hành vi bị cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu

Rà soát để quy định phù hợp nội dung liên quan đến việc áp dụng luật cho doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, dự án sử dụng vốn tín dụng, vốn ODA, BOT, hình thức tổng thầu EPC và các vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát các quy định liên quan đến quy trình, thủ tục để đơn giản hóa tối đa, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; rà soát hoàn hiện các quy định về đấu thầu qua mạng để áp dụng phổ biến, thực chất và hiệu quả. Cùng với đó là các quy định về điều khoản thi hành, chuyển tiếp, phân định rõ những chính sách mới, những chính sách hiện hành nhưng đã được sửa đổi để quy định cụ thể về điều khoản chuyển tiếp, đảm bảo khả thi, rõ ràng, tránh gây ách tắc, vướng mắc, mâu thuẫn khi áp dụng trong thực tiễn.

Bảo Yến

Các bài viết khác