QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 08/10/2022

08/10/2022

"Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thị sát booth phát thanh tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Phòng họp Diên Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban tháng 10/2022 giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội..." là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày hôm nay (08/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 07/10/2022

* Ngày 08/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ sáu.

Buổi sáng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận Đề án định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu tài liệu cho ý kiến vào Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ năm đến Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và Báo cáo công tác tài chính đảng...

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ NGÀY LÀM VIỆC THỨ SÁU CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

* Sáng 08/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đi thị sát booth phát thanh tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa hoàn thành việc chỉnh trang tại Phòng họp Diên Hồng, trước thềm Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.

Tới thị sát, thăm, động viên cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của VOV tác nghiệp tại booth phát thanh tường thuật tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thông qua các hoạt động phát thanh, truyền hình trực tiếp diễn biến, kết quả của Kỳ họp, hoạt động của Quốc hội đến với Nhân dân và cử tri để tạo điều kiện cho Nhân dân và cử tri cả nước theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất theo quy định của Hiến pháp. Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, ngoài những nội dung “bắt buộc” được phát trực tiếp trên sóng phát thành, truyền hình theo Nội quy Kỳ họp hiện nay như các phiên khai mạc, bế mạc, một số phiên họp quan trọng thì dự kiến Nội quy sửa đổi cũng như trong thực tế Quốc hội các khóa trước, đặc biệt là từ đầu Khóa XV đến nay thì có những nội dung xin phép Quốc hội cho phép một số phiên thảo luận về các dự án Luật đáng chú ý, được dư luận, Nhân dân, cử tri quan tâm cũng được phát trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Chia sẻ với những vất vả các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí nói chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để các cơ quan thông tấn, báo chí tác nghiệp tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc VOV hoàn thiện chỉnh trang booth phát thanh tường thuật tại Phòng họp Diên Hồng, tầng 5 Nhà Quốc hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của VOV tác nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả tốt hơn trong công tác thông tin - truyền thông về hoạt động của Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ THỊ SÁT BOOTH PHÁT THANH TƯỜNG THUẬT CỦA VOV TẠI NHÀ QUỐC HỘI

* Sáng cùng ngày (08/10), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban tháng 10/2022 giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để đánh giá kết quả công tác tháng 9/2022 và 9 tháng năm 2022, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phát biểu chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng về kết quả kinh tế - xã hội đạt được khá toàn diện trong tháng 9 và 9 tháng năm 2022, đồng thời nêu rõ, GDP 09 tháng năm nay tăng 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay); kết quả cho thấy các quyết sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng ở nhiều phương diện; sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất quyết liệt, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng, kịp thời của các cơ quan của Quốc hội.

Ngày 06/10 vừa qua, Lãnh đạo Quốc hội đã họp giao ban, xác định tháng 10/2022 và 03 tháng cuối năm 2022, khối lượng các công việc dự kiến là rất lớn, chưa kể việc phát sinh; trọng tâm, trước mắt là Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 4 và hàng loạt các nhiệm vụ cần về đích theo Kế hoạch năm. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan có giải pháp đột phá, khắc phục triệt để những khó khăn, hạn chế; tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, công việc trong giai đoạn tới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN BAO QUÁT 2 VẤN ĐỀ LỚN TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA QUỐC HỘI

* Theo dự kiến, phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 10/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 12/10/2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về những nội dung sau:Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Về xem xét các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Báo cáo Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022...

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Trước đó, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc mở rộng giao dịch điện tử ra nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế- xã hội cũng như nên có đánh giá tác động khi mở rộng.

Tại Phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, trong dự án Luật cần chú trọng đến yếu tố đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng… Vì vậy, các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng trong dự thảo Luật cần quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các giao dịch điện tử. Ngoài ra, việc xây dựng dự án Luật nên theo hình thức xây dựng luật khung để làm căn cứ cho các luật chuyên ngành biên soạn chi tiết hơn. Điều này cũng là góp phần xây dựng luật đáp ứng kịp với tốc độ phát triển, thay đổi của khoa học công nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, cơ quan, các chuyên gia đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Các ý kiến tập trung vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; xây dựng luật theo hướng nào trong bối cảnh khoa học công nghệ thông tin ngày càng phát triển; trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với giao dịch điện tử; vấn đề chữ ký số, chữ ký số… Dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CÂN NHẮC MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ RA NHIỀU LĨNH VỰC TRONG ĐỜI SỐNG KINH TẾ-XÃ HỘI

* Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo Đoàn khảo sát, Tổng giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm cho biết, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đây là một trong những cơ quan báo chí lớn nhất của Thủ đô, hoạt động trên địa bàn Thủ đô, là một trong hai đài phát thanh - truyền hình quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam. Hiện Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội trực tiếp sản xuất, phát sóng, quản lý 2 kênh truyền hình quảng bá, 1 kênh truyền hình trả tiền, 2 kênh phát thanh quảng bá, 3 kênh phát thanh trên hệ thống cáp.

Đoàn khảo sát ghi nhận những kết quả Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đạt được thời gian qua, mong muốn Đài tiếp tục phát huy truyền thống, nghiên cứu để có nhiều chương trình hay, đậm chất Hà Nội. Chia sẻ với những khó khăn trong hoạt động của Đài hiện nay, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp các kiến nghị chuyển đến UBND thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan liên quan sớm giải quyết, tạo điều kiện để Đài phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI

* Tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản nhấn mạnh, nền kinh tế đã có sự phục hồi rất tích cực với GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay); lạm phát được kiểm soát tốt… Kết quả này cho thấy các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH mà Quốc hội ban hành đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết, tháng 9/2022, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH đã hoàn thành các nội dung trong chương trình công tác tháng 9 và các nhiệm vụ phát sinh. Trong đó đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 02 Phiên họp của UBTVQH (gồm: Phiên họp thứ 15 và Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022) cho ý kiến về các nội dung và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội và xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Phạm Đình Toản, trong 9 tháng năm 2022, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả khả quan dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế đã có sự phục hồi rất tích cực trong 09 tháng đầu năm: GDP tăng 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay); lạm phát được kiểm soát tốt… Công tác phòng, chống dịch COVID-19, các dịch bệnh mới phát sinh tiếp tục được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, quốc phòng, an ninh và đối ngoại được quan tâm và triển khai thực hiện tốt... Kết quả này cho thấy các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội ban hành đã mang lại những hiệu quả rõ rệt; qua đó thể hiện Quốc hội, UBTVQH đã thực hiện tốt vai trò dự báo, chủ động có giải pháp đối với những vấn đề chưa có tiền lệ, vấn đề cấp bách, vấn để được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm...

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI PHẠM ĐÌNH TOẢN: CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT-XH MÀ QUỐC HỘI BAN HÀNH ĐÃ MANG LẠI HIỆU QUẢ RÕ RỆT

* Quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định rõ ràng, cụ thể trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm tránh việc lợi dụng, tuỳ tiện thu hồi đất nông nghiệp tràn lan, kém hiệu quả.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, cần bổ sung vào Điều 3 Giải thích từ ngữ của dự thảo luật giải thích chính thức khái niệm “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Bởi lẽ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới chỉ giải thích về khái niệm Nhà nước thu hồi đất nói chung mà không đưa ra giải thích chính thức về trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Vì vậy, trên thực tế, có sự hiểu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý đất đai. Điều này dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất và tiềm ẩn sự lạm dụng để thu hồi đất nói chung, thu hồi đất nông nghiệp nói riêng bừa bãi vì lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực do sự không minh định, thiếu rõ ràng về nội hàm của khái niệm Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định rõ ràng, cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm tránh việc lợi dụng, tuỳ tiện thu hồi đất nông nghiệp tràn lan, kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS NGUYỄN QUANG TUYẾN: CẦN BỔ SUNG TIÊU CHÍ TRONG TRƯỜNG HỢP NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

* Cùng quan tâm đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), TS.Nguyễn Đình Bồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế và thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

Theo TS.Nguyễn Đình Bồng, quy định về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng góp phần khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng kém hiệu quả đất lâm nghiệp kéo dài trong nhiều năm qua, góp phần khai thác đầy đủ tiềm năng quỹ đất lâm nghiệp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với vùng các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Quy định về đất trồng lúa đã tạo điều kiện cho nông dân các vùng quy hoạch trồng lúa sản xuất hiệu quả, ổn định đời sống, an tâm đầu tư, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hoá tập trung, hiệu quả.

Với quy định về đất chăn nuôi tập trung, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận với nguồn đất chăn nuôi còn nhiều tiềm năng cho sản xuất gia súc, gia cầm, gắn với cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, gia cầm… đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, quy mô lớn hiệu quả. Quy định về đất khu nông nghiệp tận trung đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay khi nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước và trở thành nhà cung cấp nông sản hàng hoá hàng đầu thế giới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TS.NGUYỄN ĐÌNH BỒNG: DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) GÓP PHẦN THÚC ĐẨY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP QUY MÔ LỚN, TẬP TRUNG, HIỆU QUẢ

* Góp ý về dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, việc sửa đổi Luật Giá trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.​

PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng lưu ý, một số sửa đổi, bổ sung, kết cấu lại các điều khoản so với Luật 2012 là cần thiết, cần quy định hợp lý hơn các hoạt động thẩm định giá, tài sản thẩm định giá, kết quả thẩm định giá nhằm làm rõ hơn tính chất của hoạt động thẩm định giá và giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá, cụ thể: Về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá, quy định như Dự thảo chưa thật sự đầy đủ, cần bổ sung nguyên tắc phải phù hợp tính chất từng loại tài  sản và công khai phương pháp xác định giá và thẩm định giá.

Về dịch vụ thẩm định giá, mặc dù tại dự thảo Luật đã có các quy định tiêu chuẩn đối với thẩm định viên về giá theo hướng chuyên môn hóa lĩnh vực tài sản thẩm định giá; quy định các điều kiện hành nghề đối với thẩm định viên về giá; quy định chặt chẽ hơn điều kiện trong khâu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá,… Tuy nhiên, đề nghị, quy định Thẻ thẩm định viên về giá cần nâng cao năng lực và hướng tới chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH: SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ PHẢI BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT VỚI CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN

* Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4 tới đây, tại Hội thảo khoa học quốc tế Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của CHLB Đức, TS.Đoàn Quang Đông, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người dùng.

Hội thảo khoa học quốc tế Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của CHLB Đức

TS.Đoàn Quang Đông cũng cho biết, Chỉ thị số 30 –CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà đi đầu là người đứng đầu, đảng viên, tổ chức đảng đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải là trách nhiệm của toàn xã hội, phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để thể hiện hết vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới, TS.Đoàn Quang Đông kiến nghị ban hành các quy định có liên quan có tính đến các yếu tố của giao dịch xuyên biên giới của người tiêu dùng, cần quy định các biện pháp giải quyết tranh chấp xuyên biên giới của người  tiêu dùng cũng như cách thức giải quyết tranh chấp trên môi trường mạng. Đối với trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ cần bổ sung các trách nhiệm gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như cách mạng công nghiệp 4.0 cụ thể các giao dịch trên không gian mạng, hoặc nhiều bên tham gia vào giao dịch cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người  tiêu dùng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TS. ĐOÀN QUANG ĐÔNG: KIẾN NGHỊ 6 NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

* Đặt nền móng tư tưởng xây dựng nền tư pháp Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ những người hành nghề luật có tài, có tâm, hành động một lòng một dạ phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân. Ngày 10/10 là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, tôn vinh những người làm nghề cao quý, mang sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, công bằng, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL tổ chức đoàn thể của Luật sư. Sắc lệnh này đã trở thành dấu mốc quan trọng của nghề Luật sư Việt Nam. Kế thừa tư tưởng, tinh thần của Người về việc xây dựng đội ngũ Luật sư có tài, có đức, nâng cao vai trò, phát huy năng lực của đội ngũ Luật sư trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định số 149/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, đây là dấu mốc đáng tự hào về nghề Luật sư. Nghề Luật sư được coi là một nghề cao quý, mang sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một nghề xứng đáng để được xã hội tôn vinh.

Để kế thừa, tiếp nối tinh thần, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, rất cần nâng cao vai trò, phát huy năng lực của đội ngũ Luật sư trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua, số lượng Luật sư phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đội ngũ Luật sư thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, qua đó, góp phần thực hiện chức năng xã hội cao quý của Luật sư, góp phần bảo vệ công lý, tham gia quá trình phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ VIỆT NAM CÓ BÁC CHỈ LỐI DẪN ĐƯỜNG

* Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ đất nước ta phải “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số,..”. Trong đó, “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”…

Ngày 19/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, mục tiêu là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Lê Quang Huy, nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương của Đảng đang được tổ chức triển khai tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức. Đây là bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực đi tìm lời giải.

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10. Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động Chương trình Tháng 10 -Tháng tiêu dùng số với các chương trình ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Cổng thông tin về chuyển đổi số quốc gia đăng tải danh sách chi tiết các chính sách miễn phí, ưu đãi, giảm giá cho người dân trong tháng 10/2022 (từ ngày 01 đến 31/10/2022)-Tháng tiêu dùng số hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số...

Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH - TẠO NỀN TẢNG CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

* Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây đã có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đồng thời lấy ý kiến góp ý về Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại buổi làm việc, vấn đề xã hội hoá được ngành y tế TP.Hồ Chí Minh ủng hộ và cho rằng, nếu thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, sẽ giúp người bệnh giàu hay nghèo đều cùng được ngồi trên một chiếc máy bay y tế hiện đại. Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, sau Covid-19, ngành y tế chưa kịp phục hồi hoàn toàn đã đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là vấn đề tài chính. Quan điểm của Sở Y tế là tiếp tục ủng hộ việc xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh.

Đại diện ngành y tế thành phố cũng nhấn mạnh, xã hội hoá phải bền vững, công bằng, công khai. Cần có khung giá chung, không phân biệt giữa người bệnh của công lập và người bệnh của xã hội hóa ở các dịch vụ cơ bản như giá khám bệnh, giá phẫu thuật, thuốc men. Trước những khó khăn hiện nay của ngành y tế, xã hội hóa có thể xem là vũ khí hỗ trợ thêm, mà vốn dĩ ngân sách công lập chưa đáp ứng được, vừa để thúc đẩy phát triển ngành y tế, và quan trọng là người dân được tiếp cận với chất lượng y tế tốt hơn.

Xem nội dung chi tiết tại đây: XÃ HỘI HOÁ ĐỂ NGƯỜI BỆNH GIÀU HAY NGHÈO ĐỀU CÙNG ĐƯỢC NGỒI TRÊN MỘT CHIẾC MÁY BAY Y TẾ HIỆN ĐẠI

* Để báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri nhằm kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và lấy ý kiến góp ý cho các Dự án Luật sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới:

- Sáng 08/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm các đại biểu: Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp xúc cử tri huyện Côn Đảo. Tại buổi tiếp xúc, các ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo đến cử tri Côn Đảo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022; hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ sau Kỳ họp thứ Ba đến nay; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri Côn Đảo của cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương. Cử tri Côn Đảo đều đồng tình, phấn khởi với kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022; đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kịp thời chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri Côn Đảo đến các cơ quan ở Trung ương và địa phương giải quyết.

- Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có buổi tiếp xúc chuyên đề với cán bộ chủ chốt MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cùng các địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị, nhất là khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội; các đối tượng điều chỉnh của các dự án luật: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Qua hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam sẽ tổng hợp ý kiến, chuyển đến các cơ quan hữu quan xem xét hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. 

- Đồng chí Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh khóa XV, đã có buổi tiếp xúc cử tri tại Tp.Cẩm Phả và Tp.Hạ Long để thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung đã thông tin tới cử tri Tp.Cẩm Phả và Tp.Hạ Long về dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; nội dung các dự thảo Luật, nghị quyết mà Quốc hội sẽ xem xét và thông qua tại Kỳ họp; hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh từ sau Kỳ họp thứ 3 đến trước Kỳ họp thứ 4; báo cáo kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến và Nguyễn Thị Uyên Trang đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành tỉnh trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại buổi làm việc, ĐBQH tỉnh Tiền Giang báo cáo dự kiến nội dung,chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cũng như thông tin một số ý kiến kiến nghị của cử tri mà Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang ghi nhận trong những ngày tiếp xúc cử tri tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vừa qua. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm xem xét một số chủ trương phát triển vùng ĐBSCL đang vướng về cơ chế chính sách. 

- Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường; Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) tiếp xúc cử tri các xã: Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường ghi nhận các kiến nghị của cử tri và cho biết sẽ phản ánh đến các cấp theo quy định. Liên quan đến việc xây dựng đường gom, đường tránh, hầm chui qua tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, đại biểu Trần Chí Cường cho biết, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay đã xây dựng 10 hầm chui, 14 đường gom dân sinh và 1 cầu vượt trên tuyến đường ĐT601...

Minh Hùng