LUẬT SƯ VIỆT NAM THÍCH ỨNG VÀ HỘI NHẬP, SẴN SÀNG CHO SỨ MỆNH CAO QUÝ

10/10/2022

Ngày 10/10 là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, tôn vinh những người làm nghề cao quý, mang sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, công bằng, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những năm qua, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã từng bước trưởng thành, không ngừng thích ứng và hội nhập, sẵn sàng cho sứ mệnh cao quý, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

LUẬT SƯ VIỆT NAM CÓ BÁC CHỈ LỐI DẪN ĐƯỜNG

Luôn sẵn sàng cho sứ mệnh cao quý

Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL tổ chức đoàn thể của Luật sư. Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 đã trở thành dấu mốc quan trọng của nghề Luật sư Việt Nam. Đến ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định số 149/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, đây là dấu mốc đáng tự hào về nghề Luật sư.

Qua từng giai đoạn lịch sử Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của nghề Luật sư, thể hiện qua việc rất nhiều các văn bản như Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa”, trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử, đề cao vai trò tranh tụng của Luật sư, xem đây là khâu trọng tâm để cải cách tư pháp. Đến Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Pháp lệnh Tổ chức Luật sư  năm 1987, Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012... đã tạo hành lang pháp lý quan trọng đặt nền móng và thúc đẩy nghề Luật sư phát triển chuyên nghiệp. Với những thuận lợi trên, số lượng Luật sư phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đội ngũ Luật sư thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.

Chất lượng đội ngũ Luật sư từng bước nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thời gian qua, đội ngũ Luật sư Viêjt Nam đã tích cực  tham gia vào việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân và cộng đồng xã hội về những văn bản pháp luật mới được ban hành. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử Luật sư tham gia rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho người dân; lĩnh vực lý lịch tư pháp; lĩnh vực công chứng, chứng thực...

Đội ngũ Luật sư Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, thích ứng, phát triển, luôn sẵn sàng thực hiện sứ mệnh cao quý của mình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, công bằng trong bối cảnh mới của thời đại. Nếu như trước đây, những vấn đề khúc mắc về doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết được ở các văn phòng Luật sư nước ngoài, thì nay Luật sư trong nước hoàn toàn có khả năng thực hiện những vấn đề này. sự trưởng thành về lực lượng và trình độ của đội ngũ Luật sư trong nước không chỉ góp phần giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo ra sự thuận lợi hơn trong việc chọn lựa về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh pháp lý trong nước.

Tích cực tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, nhiều thay đổi trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội đã được thực hiện đem lại hiệu quả tốt, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Một trong số những thay đổi nổi bật là thay đổi trong định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cụ thể là “bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật”. Luật sư với tư cách là những chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu là đối tượng thích hợp để tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. 

Đối với hoạt động hoàn thiện và xây dựng pháp luật, đội ngũ Luật sư đã có nhiều đóng góp đặc biệt, quan trọng. Đây cũng là một trong những sứ mệnh cao quý của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Đội ngũ Luật sư Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất quý báu để xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Đội ngũ Luật sư tham gia tích cực vào công tác hoàn thiện pháp luật (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong hơn 06 năm qua, liên đoàn đã có ý kiến đóng góp 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan, trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Các dự thảo luật Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015... Các Đoàn Luật sư cũng triển khai nhiều hoạt động trong công tác tham gia xây dựng các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.

Cùng với sự phát triển của Luật sư trong cả nước, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật của giới Luật sư ngày càng phong phú và đa dạng. Hiện nay, việc lấy ý kiến dự thảo văn bản pháp luật được thực hiện dưới các hình thức đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử để nhân dân góp ý, thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, giới Luật sư tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật chủ yếu dưới hình thức góp ý dự thảo văn bản pháp luật thông qua các buổi hội thảo, hội nghị, tọa đàm do Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc các Đoàn Luật sư tổ chức. Ngoài hình thức góp ý dự thảo văn bản pháp luật, Luật sư còn tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật dưới hình thức viết bài nghiên cứu về pháp luật đăng trên các tạp chí chuyên ngành. 

Với những đóng góp lớn về số lượng cũng như về chất lượng đôi với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đội ngũ Luật sư Việt Nam đang không ngừng nâng cao vị thế, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân cả nước. 

Minh Hùng

Các bài viết khác