PGS.TS VŨ VĂN PHÚC: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG YẾU, THƯỜNG XUYÊN

11/10/2022

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận những vấn đề rất quan trọng, cụ thể hoá toàn bộ những nội dung cốt lõi và những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng, trọng yếu. Thực hiện chức năng lập pháp, Quốc hội cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào cuộc sống bằng chính sách, pháp luật.

 

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ 03/10-9/10) đã hoàn thành toàn bộ nội dung công việc rất lớn, rất quan trọng và phức tạp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được, trong đó có việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu quan trọng đã đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém; tình hình đất nước, khu vực và quốc tế đã, đang và sẽ có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, cao và phức tạp hơn.

Do vậy, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức Đảng.

Phóng viên: Thưa ông, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của Tổng Bí thư đã gợi mở nhiều nội dung liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Xin ông phân tích thêm những vấn đề mới, nổi bật, đáng chú ý về nội dung này?

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở nhiều nội dung về Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả quản lý của Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ nhưng cần nâng lên tầm cao mới trong bối cảnh mới hiện nay.

Vấn đề thứ hai được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng trong hoàn cảnh hiện nay là nhiệm vụ trọng yếu và rất quan trọng. Quan trọng bởi vì tại Hội nghị Trung ương 6 đã thống nhất ban hành hai nghị quyết: Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trịNghị quyết về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao được năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; phải xử lý mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền với lại Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân dân, vì Nhân dân; vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua các cái đoàn thể chính trị xã hội và việc làm chủ trực tiếp của Nhân dân.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Vấn đề thứ ba được Tổng Bí thư gợi mở và nhấn mạnh là việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải đặc biệt nắm vững và triển khai đúng các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng. Đó là nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc đẩy mạnh phân công phối hợp, phân cấp, phân quyền nhưng gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, người đứng đầu; đặc biệt vừa phải giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng nhưng phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và phát huy dân chủ của Nhân dân; đảm bảo đúng nguyên tắc quyền lực của Nhân dân là thống nhất (nói cách khác quyền lực thuộc về Nhân dân).

Tuy nhiên, trong xây dựng nhà nước phải có sự thống nhất và phân công phối hợp một cách chặt chẽ, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân phải trong khuôn khổ thực hiện một cách đúng đắn nhất Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và thực hiện nghiêm Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Tôi cho rằng, Tổng Bí thư đã nêu các vấn đề rất biện chứng, rất khách quan.

Điểm thứ tư được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đó là phải thực hiện tốt hiệu quả năm phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến công tác cán bộ. Theo tôi, công tác cán bộ có hai phương diện cần phải chú ý đó là Đảng phân công hoặc cử cán bộ tham gia vào bộ máy của Nhà nước, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.  

Trong chưa đầy 2 năm, Đảng đã phải tiến hành kỷ luật, khai trừ, cách thức và cho thôi giữ chức vụ 7 Ủy viên Trung ương, cho nên tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến công tác cán bộ khi đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư khẳng định phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tức là phải đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các tổ chức, cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, lưu ý trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải có tính chủ động và tích cực, có quyết tâm chính trị cao nhưng đồng thời phải rất thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm, vừa tổng kết, vừa rút kinh nghiệm, vấn đề nào đã rõ thì kiên quyết làm, kiên quyết đổi mới, vấn đề nào mặc dù rất cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau phải nghiên cứu, thí điểm và không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua, bởi nếu bỏ qua sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước.

Mục tiêu cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị làm cho đất nước phát triển, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự cầm quyền của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân để đất nước chúng ta ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc như mục tiêu Đại hội Đảng 13 đã đề ra.

Phóng viên: Việc lập lại Ban Kinh tế, Ban Nội chính, chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban có ý nghĩa như thế nào đối với sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, thưa ông?

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Trong nhiệm kỳ trước, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập lại Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và chuyển Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư là Trưởng ban.

Tôi cho rằng, việc lập lại Ban Kinh tế Trung ương nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước là hết sức phù hợp và đúng đắn. Bởi, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là then chốt nhưng phát triển kinh tế là trung tâm. Để thực hiện nhiệm vụ then chốt và xây dựng chỉnh đốn Đảng, chúng ta có các ban như: Ban Tổ chức Trung ương. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… nhưng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm thì Đảng đã quyết định thành lập lại Ban Kinh tế Trung ương nhằm tham mưu cho Trung ương, cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và trên thực tế Ban Kinh tế Trung ương sau khi tái lập đã tổng kết nhiều Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - xã hội và đã xây dựng nhiều đề án để trình Trung ương ra nghị quyết về vấn đề kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Trung ương thành lập lại Ban Nội chính Trung ương, cơ quan này còn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng là hết sức đúng đắn. Nhờ sự tham mưu của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực nên công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng được đẩy mạnh lên một bước rất cao.

Gần đây, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung thêm một chức năng cho Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng là tiêu cực, chuyển thành Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo, nhiều vụ việc, nhiều vụ án xã hội, Nhân dân quan tâm đã được Ban chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; những vụ án này đã được xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm của Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đem lại niềm tin rất lớn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Điều này ngày càng làm trong sạch hơn đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng ta và đây chính là đội ngũ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, tôi cho rằng, việc chuyển Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng về trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban và thành lập lại Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương là hoàn toàn chính xác và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Phóng viên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng. Theo quan điểm của ông, vấn đề này cần được cụ thể hóa như thế nào trong thực tiễn, đặc việt là việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật?

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy và tổ chức Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị phải gắn với việc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương, đường lối của Đảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị, làm thế nào để cho Đảng ta phải thực sự trong sạch và vững mạnh. Thế nhưng, chủ trương của Đảng, đường lối của Đảng vẫn là chủ trương, đường lối, muốn thực hiện một cách triệt để thì chủ trương, đường lối của Đảng phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Tôi lấy ví dụ, trong công tác cán bộ, Trung ương, Bộ Chính trị có rất nhiều quy định, muốn biến những chủ trương của Trung ương, của Bộ Chính trị vào cuộc sống thì cần phải thể chế hóa bằng pháp luật để mỗi cán bộ, đảng viên vừa mới tư cách đảng viên vừa mới tư cách công dân phải thực hiện.

Hay ví dụ khác, Đảng có quy định khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là chủ trương của Đảng rất đúng nhưng để thực hiện triệt để trong đời sống xã hội phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Hoặc vấn đề kiểm soát quyền lực, Trung ương, Bộ Chính trị có rất nhiều chủ trương về vấn đề kiểm soát quyền lực. Thế nhưng nếu các chủ trương về kiểm soát quyền lực này không được thể chế hóa bằng pháp luật, không có những điều khoản cụ thể, chi tiết và có chế tài xử lý nghiêm minh thì vấn đề kiểm soát quyền lực sẽ không đi đến tận cùng. Vì vậy, theo tôi vấn đề kiểm soát quyền lực không chỉ dừng lại là chủ trương của Đảng mà phải thể chế bằng pháp luật để mỗi đảng viên với tư cách là đảng viên và với tư cách là công dân phải thực hiện.

Phóng viên: Một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội là lập pháp, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật. Theo quan điểm của ông, hoạt động của Quốc hội cần tiếp tục đổi mới như thế nào để thực hiện yêu cầu của Trung ương đề ra là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Theo tôi, Quốc hội phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện nghiêm chủ trương trong Văn kiện Đại hội Đảng 13 là hoàn thiện đồng bộ nhưng có chất lượng hệ thống pháp luật. Quốc hội phải đề ra các giải pháp thực hiện tốt hệ thống pháp luật đã ban hành. Hệ thống pháp luật đồng bộ, có chất lượng nhưng phải tổ chức thực hiện hiệu quả trong cuộc sống; phải đưa cuộc sống vào pháp luật và ngược lại đưa pháp luật vào đời sống thực tiễn thì pháp luật mới có giá trị.

Vì vậy, Đại hội Đảng XIII đã nêu quan điểm theo tôi rất đúng đắn đó là phải hoàn thiện đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật; đồng thời phải có cơ chế chế tài để thực hiện hệ thống pháp luật tốt nhất trong thực tiễn. Hệ thống pháp luật phải phải đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tức là phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương

Các bài viết khác