Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp
Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
17h00: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung Phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Đây là chương trình mới, khó, yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu, ghi nhận và chia sẻ nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành đã phối hợp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ở trung ương cũng như địa phương để thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc lựa chọn nội dung này làm chuyên đề giám sát cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để đảm bảo các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được kết quả như yêu cầu....
Tuy nhiên, có giai đoạn chương trình đã triển khai rất chậm so với yêu cầu, đến nay còn có những đề án chưa ban hành ở một số Bộ ngành. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các Bộ ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm ban hành ngay các đề án, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút kinh nghiệm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, tăng cường cơ chế điều phối, đẩy mạnh truyền thông, tăng tốc thực hiện để đạt được hiệu quả cao hơn nữa.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, đưa ra những cơ chế, giải pháp để đôn đốc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phân bổ vốn, tăng cường kiểm tra giải ngân. Đồng thời lưu ý rà soát kỹ cơ chế điều phối của Chương trình, việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, khả thi, tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo tính khả thi của địa phương trong thực hiện đối ứng vốn.
Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ:
Một là, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp.
Hai là, đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện.
Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định; đồng thời huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành; phòng tránh các biểu hiện tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, để nhân dân tích cực tham gia trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng làm nổi bật những kết quả đã đạt được, bổ sung số liệu để minh chứng, bổ sung thông tin toàn diện về việc thực hiện và đề xuất, kiến nghị; nghiên cứu các nội dung nêu tại báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tới.
16h48: Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trân trọng cảm ơn ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải trình một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, về cơ chế làm việc, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết Ban Chỉ đạo Chương trình có cơ chế vận hành vận hành rõ ràng và thành lập các Tổ giúp việc có văn phòng điều phối tại các Bộ chủ quan Chương trình. Ban Chỉ đạo cũng có cơ chế làm việc rõ ràng.
Về việc lồng ghép 3 chương trình, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, 3 chương trình có mục tiêu riêng nhưng có lồng ghép tùy tình hình địa bàn đặc biệt khó khăn, qua đó phủ hết được các đối tượng thụ hưởng.
Về nguyên tắc lựa chọn các địa bàn đầu tư, theo Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, thực hiện theo quyết định của Chính phủ, Chương trình đã tập trung lựa chọn các vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK và các dự án đủ điều kiện đang được triển khai nhưng thiếu vốn được ưu tiên giải ngân để các dự án sớm hoàn thành đúng tiến độ được giao.
16h40: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tiến độ triển khai Chương trình quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Chương trình đang quá chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đến nay, văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số văn bản của tiểu dự án vẫn chưa được ban hành. Việc phân bổ vốn đầu tư tính đến tháng 6/2022 Chính phủ mới trình Quốc hội nhưng vẫn chưa phân bổ hết; chưa bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo, tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%.
Về công tác điều phối, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn về việc giao nhiệm vụ cho Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là Tổ trưởng là không phù hợp, mà cần tham gia với tư cách là Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương để tiến hành giao ban, tổng kết triển khai; đề nghị Chính phủ rà soát lại Ban chỉ đạo Trung ương và cơ chế điều phối giao ban…
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Chính phủ thành lập Ban điều phối Trung ương là phù hợp nhưng cũng cần rà soát kỹ, tổ chức Hội nghị toàn quốc để đôn đốc triển khai; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc bởi đây là sự nghiệp lâu dài. Do vậy, thời gian tới Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ, tăng cường cơ chế điều phối; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông tạo ra phong trào xã hội, phong trào thi đua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực tiễn của hai chương trình mục tiêu đang triển khai, nguồn lực nhà nước cũng có hạn, cần huy động từ xã hội, người dân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp… Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện.
16h31: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Băn khoăn về cơ chế phối hợp, lồng ghép thực hiện chương trình, dự án
Bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao kết quả thực hiện của chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới và bước đầu triển khai chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc chậm tổ chức triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết từ khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia cho đến tháng 5/2022 trước khi Quốc hội cho ý kiến thì gần như việc ban hành các văn bản, chế độ chính sách để triển khai chương trình gần như là "đứng tại chỗ". Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ lý do của tình trạng này.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương băn khoăn về cơ chế điều phối, lồng ghép thực hiện các chương trình. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tế tại địa phương và cơ sở, thực hiện lồng ghép với các chương trình để tăng nguồn lực mà không có sự điều phối, chỉ huy chung thì khó khăn.
Cho biết đến 7 tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn của chương trình, 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề sự chậm trễ của những tỉnh này là nguyên nhân từ đâu, do không chấp hành chỉ đạo của Bộ, của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ và Ban điều phối chương trình, hay là do vướng mắc về thể chế và pháp luật. Cùng với đó, chưa có địa phương nào bố trí kinh phí đối ứng theo dự kiến của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc này.
16h28: Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng giải trình việc ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế chính sách, thông tư kinh phí sự nghiệp từ tháng 3/2022; đồng thời phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kinh phí của năm 2022 là 5.429 tỷ đồng.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Bộ Tài chính nhất trí với cái báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, chủ trì giúp Chính phủ quản lý các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Theo đó, các cơ quan cũng sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội kiểm tra, giám sát nếu cơ chế, chính sách đã ban hành gặp vướng mắc trong tổ chức thực hiện sẽ nghiên cứu để sửa đổi kịp thời.
Đối với dự toán kinh phí năm 2023, trong báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/10 cũng tổng hợp nhu cầu kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số miền núi theo đúng đề xuất của Ủy ban Dân tộc và cơ bản dựa theo tổng mức kinh phí Quốc hội đã quyết định.
16h23: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Phấn đấu phân bổ hết số vốn còn lại
Giải trình thêm một số nội dung tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông bày tỏ thống nhất với những đánh giá, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về việc giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi là chậm so với các nguồn vốn khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận thấy, nguyên nhân là do thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn; việc phân cấp rất mạnh cho các địa phương; sự phối hợp chưa đồng đều… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Dân tộc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để kịp thời sửa đổi và có các giải pháp cụ thể để giải ngân hết các nguồn vốn này.
Liên quan đến công tác phân bổ nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc để phân bổ nốt số vốn còn lại.
16h13: Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh: Tiến độ giải ngân phải đi liền với chất lượng và hiệu quả
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với các nội dung Chính phủ đã báo cáo và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Theo đó, các báo cáo đều kỹ lưỡng, rõ ràng những vấn đề cần bổ sung, yêu cầu đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, so với thời điểm tháng 5/2022 khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đến thời điểm hiện nay, với khoảng thời gian không dài nhưng kết quả đạt được rất lớn. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành hơn 100 văn bản để triển khai thực hiện; có những nội dung cụ thể trong việc xây dựng các nhóm dự án để thực hiện 9 nhóm mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025; bố trí được kinh phí… Tuy nhiên, số vốn đã giải ngân còn khiêm tốn so với số vốn đã bố trí.
Bên cạnh đó, yêu cầu là tích hợp lồng ghép các chương trình và khá nhiều mục tiêu. Do vậy, nguồn kinh phí không được đáp ứng ngay từ đầu thì việc xây dựng các dự án cũng như sắp xếp nguồn lực để đảm bảo mục tiêu cũng phải có lộ trình.
Cho biết yêu cầu về thời gian chỉ còn một quý trong năm 2022 phải đạt được 91% tỷ lệ giải ngân, Trưởng Ban Công tác đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong công tác này. Thời gian còn lại rất ngắn, đây cũng là một chương trình khó và mới với yêu cầu tích hợp và đẩy nhanh… Bên cạnh đó, việc thực hiện giải ngân đều rơi vào những tỉnh miền núi và dân tộc nên có khó khăn về địa bàn và tổ chức thực hiện. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần cố gắng nỗ lực để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân. Tuy nhiên, không vì tiến độ giải ngân mà cho ứng và giải ngân không có địa chỉ, không đảm bảo các thủ tục. Tiến độ giải ngân phải đi liền với chất lượng và hiệu quả, không vì tiến độ mà giải ngân bằng được.
16h10: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành nội dung thảo luận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất, nội dung chất lượng báo cáo của Chính phủ về việc ban hành các văn bản đảm bảo cho việc vận hành Chương trình.
Thứ hai, việc xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu, lộ trình cụ thể thực hiện Chương trình, có thể thực hiện trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Thứ ba, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở trung ương và địa phương sau một năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình trong thời gian tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong quá trình thảo luận sẽ mời các Bộ, ngành có liên quan giải trình thêm vấn đề đại biểu quan tâm.
15h59: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm: Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình
Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, Ủy ban Dân tộc (được Chính phủ giao chủ trì xây dựng báo cáo) và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, cơ quan Chủ trì Chương trình có nhiều nỗ lực trong quá trình chuẩn bị tổ chức để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022 (gọi tắt là Chương trình).
Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, theo đó, đến nay, sau gần một năm việc xây dựng, ban hành văn bản quy định về cơ chế, chính sách vận hành Chương trình đã cơ bản được hoàn thành. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, công tác triển khai thực hiện rất châm. Đồng thời, Báo cáo chưa đề cập đến việc sơ kết đánh giá một năm (2021) của việc triển khai thực hiện Chương trình; Báo cáo cũng chưa đề cập đến kết quả triển khai của các địa phương được trung ương lựa chọn thực hiện điểm một số nội dung của Chương trình.
Về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đến nay, trung ương đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành Quy chế hoạt động, chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo trung ương; thành lập tổ công tác, Văn phòng điều phối... Đã có 50/50 địa phương triển khai thực hiện Chương trình đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, hiện nay còn 30 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để tổ chức thực hiện Chương trình. Qua đó, cho thấy, một số Bộ, ngành trung ương đôi lúc thiếu sự quyết liệt, kịp thời, một số địa phương thiếu chủ động, chưa chấp hành nghiêm hướng dẫn của trung ương. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân, đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ triển khai thực hiện Chương trình.
Về kết quả xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình, Hội đồng Dân tộc thấy rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản về cơ chế, chính sách và văn bản chỉ đạo điều hành, với tổng số 110 văn bản, trong đó: 31 văn bản quy định, hướng dẫn cơ chế, chính sách; 79 văn bản chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, các văn bản hướng dẫn của trung ương đến tháng 10/2022 mới cơ bản hoàn thành là rất chậm (cụ thể là các văn bản hướng dẫn thực hiện 10 dự án thành phần; có Phụ lục kèm theo Báo cáo Thẩm tra chính thức). Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản này. Đồng thời, cần đánh giá về sự phù hợp của các văn bản, nhất là tính khả thi trong thực tiễn.
15h45: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Hiện có 231 văn bản khác nhau được ban hành để tổ chức triển khai thực Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi từ trung ương đến địa phương
Tại phiên họp chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 120/2010/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã xây dựng Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 20212030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi) năm 2022.
Về kết quả xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020 kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện.
Thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Tính đến hết tháng 8 năm 2022 (thời điểm báo cáo), đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi từ trung ương đến địa phương.
Trước mức độ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến toàn bộ hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trong nước suốt năm 2020-2021 và dự báo tác động còn kéo dài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ triển khai các nhiệm vụ và Chương trình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức buổi làn việc với các Bộ, ngành để cùng có sự đồng thuận cho một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, phương án phân bổ vốn nguồn ngân sách trung ương để triển khai tổ chức thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi.
Các địa phương đã chủ động bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia được giao, cũng như các chính sách dân tộc trên địa bàn nói riêng thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới được chú trọng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao, công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng chỉ rõ, là một chương trình mục tiêu quốc gia mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể nên chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai, trong khi quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau… Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đề xuất một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ cuối năm 2022 và năm 2023 như đôn đốc một số bộ, cơ quan trung ương khẩn trương hoàn thành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo ưu tiên tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp; hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng kế hoạch…
15h43: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành Phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chiều nay 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Dự buổi họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng một số ban ngành hữu quan.
Thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Tiếp đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.