THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): TRÌNH QUỐC HỘI 2 PHƯƠNG ÁN TÊN GỌI CỦA LUẬT
Quốc hội khóa XV chuẩn bị bước vào Kỳ họp thứ 4 (Ảnh minh họa)
Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, được nhiều cử tri, nhân dân và các chuyên gia quan tâm với hy vọng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế tập thể.
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều chuyên gia nhận định, trong những năm gần đây, hợp tác xã có xu hướng hồi phục nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng hợp tác xã thành lập mới còn ít, phân bổ chưa đồng đều giữa các lĩnh vực và các vùng, miền; quy mô hợp tác xã nhỏ, số lượng xã viên chưa nhiều, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, trình độ quản trị yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, tính chủ động, sáng tạo của các hợp tác xã còn thấp.
Bên cạnh đó, nhận thức về kinh tế hợp tác và hợp tác xã của một số cán bộ, người dân có nơi, có thời điểm còn chưa đầy đủ, chưa có sự thống nhất, vẫn còn có tư tưởng mặc cảm đối với các hợp tác xã kiểu cũ nên chưa thấy hết vị trí, vai trò quan trọng của hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thậm chí hiểu chưa đúng bản chất, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã; chưa phân biệt được sự khác nhau giữa mô hình hợp tác xã kiểu mới với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp. Bản thân những thành viên tham gia hợp tác xã cũng chưa nhận thức hết các mặt trách nhiệm xây dựng và đóng góp để hợp tác xã không ngừng lớn mạnh về kinh tế, trên cơ sở đó mới đem lại lợi ích lớn hơn cho chính mình.
Cần tạo ra sự đồng bộ, nhất quán trong cơ chế chính sách phát triển hợp tác xã
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, quản lý nhà nước về hợp tác xã thiếu thống nhất và còn nhiều yếu kém. Bộ máy tham mưu quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chưa được kiện toàn đúng mức và thống nhất trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai nghị quyết, pháp luật và chính sách của Nhà nước cũng như thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã. Cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã còn thiếu và yếu về chuyên môn, đa số cán bộ làm kiêm nhiệm chưa được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ, chưa thực hiện đầy đủ và tốt các nội dung quản lý nhà nước về kinh tế tập thể và hợp tác xã đã được pháp luật quy định. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong phát triển kinh tế tập thể chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, thiếu chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này dẫn tới công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã đôi khi bị buông lỏng, chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với phát triển hợp tác xã.
Cùng với đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hành lang pháp lý còn bó hẹp, cơ chế chính sách phát triển hợp tác xã chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn. Việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng rất khác nhau. Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực đến nay, các văn bản dưới Luật chậm được ban hành, thiếu đồng bộ; một số nội dung chưa được hướng dẫn gây khó khăn cho hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi, nhất là về thủ tục đăng ký thành lập. Các nút thắt đối với sự phát triển hợp tác xã là đất đai, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là thị trường chưa có phương án giải quyết phù hợp. Các chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng lại áp dụng chung cho tất cả các mô hình hợp tác xã nên gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, sự liên kết, hợp tác của các hợp tác xã chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp hợp tác xã chưa được phát huy. Hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống chặt chẽ cả về mặt kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã với nhau còn ít, nội dung còn nghèo nàn. Các liên hiệp hợp tác xã nhìn chung có quy mô chưa lớn, hiệu quả chưa cao và hỗ trợ đối với các hợp tác xã thành viên còn ít.
Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã còn thấp, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Đa số cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ quản lý và chuyên môn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý hợp tác xã. Tư duy sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành. Điều này khiến việc đổi mới tổ chức sản xuất tại nhiều hợp tác xã hết sức khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã theo luật định còn lúng túng bởi quá trình này làm thay đổi căn bản về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý, quan hệ phân phối và mức vốn góp tối đa đối với các thành viên khi tham gia hợp tác xã kiểu mới. Chính vì vậy, việc chuyển đổi, đăng ký lại hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 diễn ra khá chậm. Nhiều hợp tác xã mặc dù đã chuyển đổi theo Luật nhưng chưa có sự thay đổi về phương thức hoạt động, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp, hiệu quả hoạt động kém.