Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự Phiên họp còn có: Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án; các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án;...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế thừa và phát huy những kết quả của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Trong đó, đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố quan trọng cấu thành nên tổ chức của Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội góp phần quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Việc tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết. Trong thời gian qua, chất lượng, năng lực đại biểu Quốc hội không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Đồng thời, quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu mới đối với Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Tại Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án
Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, Đề án nghiên cứu chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, Đề án đề cập đến những vấn đề lý luận về đại biểu Quốc hội, chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội; các yếu tố cấu thành nên chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội; một số điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, Đề án cũng tập trung phân tích thực trạng chất lượng và năng lực đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phù hợp với phạm vi nghiên cứu của Đề án, như: Tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần của đại biểu Quốc hội; Hoạt động của đại biểu Quốc hội; Điều kiện đảm bảo năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội;... Ngoài ra, Đề án còn đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm về: Việc đảm bảo tiêu chuẩn “có kinh nghiệm công tác và uy tín” của đại biểu Quốc hội; Cơ chế tăng cường mối liên hệ của đại biểu Quốc hội với cử tri; Nhân sự giúp việc về chuyên môn cho đại biểu Quốc hội; Đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội;...
Qua thảo luận, các ý kiến đều đều đánh giá cao nỗ lực của Tổ biên tập và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung cơ bản tại Đề án. Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, một số ý kiến lưu ý, Đề án cần tiếp tục chỉ rõ một số tồn tại/hạn chế hiện nay; làm rõ hơn nội dung giải pháp, kiến nghị trọng tâm để tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội; Xác định rõ cơ chế đối với hệ thống chuyên gia trong hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội;...
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Phiên họp
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với tinh thần hết sức khẩn trương, tập trung, Phiên họp đã có 08 lượt ý kiến tham gia góp ý trực diện vào Tờ trình, nội dung của Đề án; cơ bản các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nhiều nội dung có thể tiếp thu ngay, trực tiếp; có nội dung cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, bám sát điều kiện thực tế, khả năng hiện có để xác định phương án đề xuất phù hợp.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự tích cực của Ban Chỉ đạo Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nội dung nào đã chín, đã rõ, có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và sự đồng thuận cơ bản thì đưa vào Đề án; nội dung nào còn có ý kiến khác nhau, mới, chưa rõ cơ sở chính trị, pháp lý, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm,... cần có báo cáo riêng để xin ý kiến của Đảng Đoàn Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Đề án cần tập trung vào các giải pháp như: Nâng tiêu chuẩn, đổi mới cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội để lựa chọn những người thực sự xứng đáng là đại biểu Nhân dân; đổi mới cơ chế bầu cử, quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; hỗ trợ đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động của Quốc hội; tăng cường mối liên hệ với cử tri, nhất là đại biểu Quốc hội ở Trung ương; tăng cường bồi dưỡng, đổi mới việc cung cấp thông tin, nâng cao năng lực bộ máy tham mưu; xây dựng cơ chế, bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách … Đồng thời chú trọng đến tính khả thi, làm rõ cơ chế giám sát đại biểu thực hiện lời hứa trước cử tri và Nhân dân nơi địa phương mình ứng cử và cả nước; rà soát kỹ lưỡng các giải pháp đề xuất đảm bảo phù hợp với đánh giá về thực trạng, những bất cập, khó khăn, hạn chế đã được nêu trong Đề .
Nhấn mạnh hiện nay Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN có nhiều điểm không còn phù hợp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Đề án cần bổ sung giải pháp về việc phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Nghị quyết liên tịch cụ thể hóa khoản 3 Điều 16 Luật MTTQ Việt Nam về hướng dẫn tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì việc chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Đề án. Trong đó, cần chú trọng nêu những vướng mắc trong thực tiễn; nêu bật điểm mới, các giải pháp đột phá; Tờ trình Đề án cần ngắn gọn, khái quát, có sức thuyết phục cao;...
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.”
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách".
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án trình bày Báo cáo tóm tắt Tờ trình và một số nội dung chính của dự thảo Đề án.
Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”
Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại Phiên họp
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại Phiên họp.