TỔNG THUẬT CHIỀU 10/10: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Thông báo kết luận của Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh: Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, trong đó có cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều hành, đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ nhằm đáp ứng yêu cầu vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch COVID-19, đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, càng củng cố niềm tin đối với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là một tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh các đạo luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp kịp thời, chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, thể hiện tính chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa, bám sát thực tiễn và sự phối hợp rất chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng sự chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, phục hồi mạnh mẽ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã đạt được, khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung sau:
Trên cơ sở Nghị quyết 30 và tiếp theo Nghị quyết 30, Quốc hội tiếp tục ban hành 06 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định hướng dẫn các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, những biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành và triển khai thống nhất, đồng bộ, đồng thời ban hành thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa tiền tệ; đảm bảo an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội; tiêm chủng vắc xin đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát tốt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 30 sau đây: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách quy định phòng, chống dịch có lúc chưa kịp thời; thực hiện các biện pháp hạn chế còn chưa thống nhất; y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu; thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn một số khó khăn, vướng mắc; chưa thực sự phát huy được sức mạnh của y tế tư nhân; việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng; việc triển khai tiêm chủng vắc xin ở một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra ở nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng; nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để bảo đảm chất lượng báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ:
Tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các nội dung Nghị quyết 30 có liên quan đến phòng, chống COVID-19, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương được ban hành trên cơ sở Nghị quyết 30 để thấy được mức độ hợp lý, khả thi, hiệu quả của chính sách, tập trung vào các điểm 3.8, 3.1, 3.2, 3.3, 3.4. Báo cáo đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung vào các chính sách đặc thù Nghị quyết 30 cho phép thực hiện, đánh giá đầy đủ bối cảnh ban hành, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 30 và các văn bản liên quan, trong đó bổ sung danh mục tài liệu, số liệu, thông tin toàn diện, xác định rõ việc đã làm, thời gian thực hiện, thời gian kết thúc, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất kiến nghị.
Đối với việc đề nghị ban hành các chính sách mới, Chính phủ cần thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có báo cáo tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.
Khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, tờ trình để trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp chuyên đề, dự kiến vào cuối tháng 12/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thẩm tra báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trình Quốc hội./.