UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
UBTVQH cho ý kiến về giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia
Triển khai Chương trình Giám sát năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết số 564/NQ-UBTVQH15 ngày 03/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát, Đoàn giám sát đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và các Đề cương báo cáo giám sát.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng đoàn Giám sát cho biết, đây là chuyên đề giám sát của Quốc hội có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nhiều đối tượng, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phân tích tính đặc thù của Chuyên đề giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia có tới 2 chương trình kế tiếp của các nhiệm kỳ trước (Chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới) - trong nhiệm kỳ trước đã giám sát, có Báo cáo đánh giá giai đoạn 2016-2020. Riêng chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chương trình mới và trong Nghị quyết số 24 về giảm nghèo và các Nghị quyết của Quốc hội đều thống nhất việc thành lập Ban Chỉ đạo chung và lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham gia ý kiến về chuyên đề giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 3 chương trình mục tiêu có thời gian triển khai khác nhau nhưng thời điểm giám sát chung là trong 5 năm, từ năm 2021 đến 2025. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhìn chung việc triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm, vì theo Luật Đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, các cơ quan mới lập chương trình cụ thể, lập Hội đồng thẩm định, sau đó trình Thủ tướng, Thủ tướng quyết định đầu tư chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, kết quả giải ngân 9 tháng năm 2022 cao hơn khoảng 35.000 tỷ đồng (tăng 16%) so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 46,7% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.
Việc giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh minh họa
Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 (mục tiêu giải ngân năm 2022 từ 95 - 100%) và cả giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng cuối năm 2022 và những năm sau là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đặc biệt là trong hai năm 2022 - 2023, chúng ta phải giải ngân số vốn lớn hơn các năm trước (ngoài kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, còn có thêm phần vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đối với việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án năm 2023 bảo đảm đúng thời gian quy định Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phân cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.