SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA GIAO DỊCH TRÊN MÔI TRƯỜNG SỐ

24/10/2022

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 25/10, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tại các phiên khảo sát, hội nghị lấy ý kiến về dự án luật này, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh.

KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 25/10, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường chưa được quản lý, quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ hiệu quả. Tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các đối tượng thường tổ chức các chương trình lớn, hướng vào đối tượng là người già, người kém hiểu biết để buôn bán các mặt hàng kém chất lượng. Nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là hàng hóa vật tư nông nghiệp.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh đó, việc quảng bá không đúng với giá trị thật của sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để giải quyết triệt để tình trạng này. Theo đại biểu Dương Văn Phước, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được Quốc hội ban hành đã tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, qua thời gian dài thực hiện, luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Đó là, các cơ chế quản lý, ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra vi phạm đối với cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kém khả thi. Vì số lượng cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ rất lớn, nhưng nhiều hộ gia đình, người kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, không có địa điểm cụ thể, các hồ sơ hàng hóa liên quan thường không đảm bảo. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chế tài được quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và các hình thức kinh doanh trực tuyến.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Nhiều vấn đề nổi cộm, nhức nhối về hàng giả, hàng nhái trên thị trường trực tuyến nhưng trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử lớn đối với chất lượng các mặt hàng được niêm yết, kinh doanh chưa được quy định chặt chẽ. Do đó cần được rà soát, quy định phù hợp, chặt chẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế thất thu thuế. Bên cạnh đó, luật chưa quy định rõ quy trình xử lý khiếu nại của người tiêu dùng khi bị xâm hại, hay các quy định của pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu chưa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thường bị doanh nghiệp áp đặt, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đại biểu Dương Văn Phước cũng kiến nghị cần có một chế tài đầy đủ, mạnh mẽ, hiệu quả trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tiêu dùng hơn so với quy định hiện hành.

Cùng quan tâm tới nhiều nội dung trong dự thảo Luật này, một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật nào có liên quan.

Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, các đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng, tránh phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) 

Trong dự án luật cần quy định rõ hơn về sự cần thiết phải có sự đồng ý của người tiêu dùng khi cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu trữ, trao đổi trong giao dịch thương mại điện tử. Việc làm này để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng khi có bên thứ 3 sử dụng thông tin của họ không đúng mục đích…

Đại biểu đề nghị nghiên cứu sử dụng cụm từ phù hợp về giải thích từ ngữ tại Khoản 4 Điều 3 cụm từ “khuyết tật” có thể được hiểu là những khiếm khuyết của sản phẩm được thể hiện ra bên ngoài mà mắt thường có thể nhìn thấy, chưa thể hiện những khiếm khuyết liên quan đến chất lượng, thành phần bên trong của sản phẩm.

Về đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng tại Điều 12, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về mức độ hoặc giới hạn cụ thể hoàn cảnh nào người tiêu dùng phải cung cấp, công khai thông tin, đồng thời tránh việc xung đột với các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 18, cần nghiên cứu xử lý theo hướng hành vi vi phạm, không nên ghi chung chung dẫn đến việc ban hành một nghị định xử phạt khác không phù hợp. Tại Khoản 1, đề nghị bỏ cụm từ “nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, sửa thành: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính”...

Minh Hùng