CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI MẠNH MẼ HƠN ĐỂ THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ ĐẾN VỚI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

26/10/2022

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đa số các ý kiến đại biểu đồng tình cao với chủ trương này và khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhưng cần phải có chính sách ưu đãi đặc thù hơn và mạnh mẽ hơn. Đồng thời cần khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư đến với Buôn Ma Thuột nhằm tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng cao; xem xét, xác định thế mạnh của Buôn Ma Thuột để các doanh nghiệp đầu tư vào những thế mạnh đó.

THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, TÍNH TƯƠNG THÍCH VỚI CÁC PHÁP LUẬT LIÊN QUAN TRONG ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ

Góp ý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tại phiên thảo luận Tổ 2, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cao Nghị quyết này và cho biết, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Căm-pu-chia. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước. Đây là vùng cao nguyên quy tụ 40 dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, tại Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với mong muốn Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê của thế giới.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cần nhìn nhận thời gian qua thành phố Buôn Ma Thuột phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 420 nghìn dân, là đô thị miền núi đông dân nhất (có 13 phường và 8 xã), cân đối thu chi thường xuyên không đảm bảo nên rất khó khăn cho việc đầu tư của thành phố như sự mong đợi theo tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, với vị trí địa chính trị rất quan trọng, rất cần một cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột. Nếu được thông qua Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột thì sẽ cho chúng ta thêm bài học về kinh nghiệm, những nội dung quý báu để chúng ta xem xét, cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức (Tp.Hồ Chí Minh).

Quan tâm đến vấn đề quản lý tài chính, ngân sách, tỉnh Đắck Lắk được phân bổ theo 45% định mức chi thường xuyên, theo định mức dân số của thành phố Buôn Ma Thuột. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên, đại biểu quan tâm là làm sao thu hút đc các nhà đầu tư đến với thành phố Buôn Ma Thuột, tăng giá trị gia tăng hàng hóa nông sản, người nông dân sản xuất hàng nông sản không gặp phải khó khăn do vấn đề tiêu thụ hàng hóa, hoặc được mùa mất giá. Do đó, đại biểu cho rằng, chúng ta nên tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến nông sản tại đây. Muốn vậy phải có chính sách ưu đãi hết sức đặc thù và mạnh hơn. Theo dự thảo Nghị quyết còn quy định khiêm tốn, cần khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư đến với Buôn Ma Thuột để đầu tư công nghệ cao, đầu tư công nghiệp chế biến chế tạo, nhằm tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng vì thế mạnh của Tây Nguyên liên quan đến hàng nông sản, cà phê, hạt tiêu và nhiểu loại hàng hóa khác.

Về quản lý quy hoạch, đại biểu đồng tình với Dự thảo Nghị quyết quy định: Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân Tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Nhà nước và Bộ Nội vụ nên quan tâm đến cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút được chuyên gia, nhà khoa học và tài năng đặc biệt. Nếu quy định như dự thảo thì sẽ rất rải rác, không thể thu hút được. Đồng thời cần huy động lực lượng các nhà khoa học, các chuyên gia đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đang làm việc tại các đơn vị, các bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu… Chính phủ nên đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù như trong cơ chế bảng lương, trong chính sách thu hút nhân tài, nhân lực làm việc hoặc trong công tác tuyển dụng.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Cùng quan tâm đến dự thảo này, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu tiên trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Nghị quyết đầu tiên dựa trên cơ sở thế chế hóa Kết luận 67 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, cách tiếp cận của Chính phủ rất thận trọng, về cơ bản các chính sách áp dụng trong dự thảo Nghị quyết này nói là đặc thù nhưng chỉ vừa tầm trên cơ sở tham khảo các chính sách đặc thù của các thành phố khác trong thời gian qua như Thừa Thiên Huế, Khánh hòa… Nhưng những gì mang tính chất đột phá cho Buôn Ma Thuột thì chưa nhiều, chưa đề cập đến các nội dung về văn hóa, cà phê, đất đai… Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về các chính sách đặc thù khác để phát huy hiệu quả, thế mạnh, tiềm năng, vị trí địa lý, tự nhiên của Buôn Ma Thuột.

Đề xuất cân nhắc thêm về các chính sách khác, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất thêm về phân cấp phân quyền, ngoài thẩm quyền của một đơn vị cấp huyện thì có gì khác không, tỉnh có thể ủy quyền, phân quyền một số chức năng, nhiệm vụ của tỉnh Đắk Lắk cho Buôn Ma Thuột hay không? Liên quan đến vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược, đại biểu cho rằng, thu hút đầu tư của thành phố Buôn Ma Thuột chưa nhiều, do vậy cần có giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược là rất cần thiết. Về ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư, phát triển, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, cần nghiên cứu thêm các chính sách này để bổ sung các chính sách đầy đủ, có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhất trí các chính sách tương đồng với các địa phương khác như về mức dư nợ vay, quy hoạch chung… Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, đại biểu đánh giá cao và nhận thấy đây là chính sách đặc thù. Dự thảo Nghị quyết quy định đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng ưu đãi như sau: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị cần rà soát lại phạm vi áp dụng đối với các doanh nghiệp được miễn thuế. Đồng thời cần phải xác định thế mạnh của Buôn Ma Thuột là gì để xác định các doanh nghiệp đầu tư vào thế mạnh của Buôn Ma Thuột thì sẽ được miễn thuế, không nên chỉ áp dụng dàn trải.  

Về ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học và tài năng đặc biệt, đại biểu Đỗ Đức Hiển đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân đã nêu và đề nghị cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn đối với các chuyên gia, nhà khoa học và tài năng đặc biệt thì mới thu hút được, ngoài chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho họ.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Còn đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần ưu tiên ngân sách trung ương trong đầu tư hạ tầng cho thành phố Buôn Ma Thuột, có thể trong giai đoạn 5 năm bắt đầu triển khai Nghị quyết này thì ngân sách trung ương đầu tư bao nhiêu để phát triển hạ tầng cho thành phố này. Đại biểu nhấn mạnh, ưu tiên đầu tiên là hạ tầng giao thông để kết nối với các địa phương khác, đồng thời để phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông, kết nối với các vùng quy hoạch để phát triển cà phê, quy hoạch vùng du lịch.

Nhận thấy hiện nay chưa có chính sách cụ thể để phát triển văn hóa cồng chiêng, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị cần có nguồn ngân sách nhất định để khôi phục, tiếp tục duy trì các hoạt động văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc ở Buôn Ma Thuột. Đồng thời đề nghị Quốc hội và Chính phủ có các chính sách cụ thể hơn để phát triển văn hóa cồng chiêng và các giá trị văn hóa khác của các đồng bào dân tộc ở Buôn Ma Thuột vào dự thảo Nghị quyết này.

Ngoài ra, đại biểu đồng tình cần có các chính sách mạnh mẽ hơn nữa về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Điều 4) để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại Buôn Ma Thuột, gắn với định hướng các ngành đã được xác định trong dự thảo Nghị quyết.

Về thu hút tài năng đặc biệt, chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, các chính sách cần mạnh mẽ, nhiều hơn, áp dụng kéo dài, tránh những chính sách không đủ sức thu hút. Hiện chúng ta chưa quan tâm nhiều đến đội ngũ trong nước, do vậy cần chú trọng thêm đội ngũ này, chính sách cần dài hơi hơn để họ an tâm công tác và tập trung đầu tư cho các hoạt động làm nghiên cứu khoa học, triển khai các nhiệm vụ khác gắn với Nghị quyết này tại Buôn Ma Thuột. Nếu chỉ có những chính sách ngắn hạn về lương, về nhà ở thì rất khó giữ chân được.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ giao cho các bộ ngành xây dựng thương hiệu để quảng bá du lịch và cà phê, không giao hết cho doanh nghiệp tham gia đầu tư loại hình này mà cần phải có các bộ ngành tham gia để có các chương trình xúc tiến quảng bá ra quốc tế. Đại biểu nhận thấy, các chính sách cần chi tiết, cụ thể hơn, có nguồn ngân sách trung ương nhất định trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm thì thành phố Buôn Ma Thuột mới phát huy được nguồn lực hiện có của tỉnh và có kết quả./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức