NHẤT TRÍ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

26/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Qua thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với chủ trương này và cho rằng việc thí điểm cơ chế đặc thù của thành phố đã đảm bảo căn cứ chính trị, căn cứ thực tiễn và căn cứ pháp lý.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: CẦN GIẢI PHÁP BÌNH ỔN GIÁ CẢ, TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI

Quang cảnh phiên họp

Trong phiên thảo luận tại tổ 10, đa số các ý kiến thảo luận đều nhất trí với sự cần thiết Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo các đại biểu, chủ trương này đã đảm bảo căn cứ chính trị, căn cứ thực tiễn và căn cứ pháp lý. Nhất là xét trong hoàn cảnh thực tiễn, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nếu có một cơ chế đặc thù thì sẽ góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư; nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị, cần phải đánh giá tác động của các chính sách. Theo đó, các chính sách phải góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù; tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội; bảo đảm tính lan tỏa vùng miền, tạo tiền đề phát triển không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà cần tác động sâu rộng đối với cả khu vực Tây Nguyên. Chính sách tác động đúng, trúng đối tượng, phòng ngừa gian lận, trục lợi chính sách.

Đại biểu Đặng Xuân Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai điều hành nội dung phiên họp

Tham gia phát biểu, đại biểu Lê Ngọc Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, điều kiện của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung còn một số hạn chế, phát triển chưa xứng với tiềm năng sẵn có, lợi thế tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, do đó, cần quan tâm để thiết kế chính sách đặc thù cho hợp tình, hợp lý.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho khu vực này còn ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, giáo dục và đào tạo chậm chuyển biến, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp. Công tác chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế cơ bản cần được nâng cao bằng mặt bằng chung cả nước, liên kết vùng, nội vùng cần tăng cường chặt chẽ hơn nữa.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Lê Ngọc Hải cho rằng cần có cơ chế ưu đãi phù hợp, hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tới phát triển kinh tế- xã hội, có chính sách ưu đãi các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt để xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ưuong quan tâm hơn nữa, tăng kinh phí hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho thành phố Buôn Ma Thuột, tiếp tục hỗ trợ xây dựng đường tuần tra biên giới các khu vực trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Buôn Ma Thuột nằm ở địa bàn chiến lược quan trọng trong bảo vệ quốc phòng, an ninh của đất nước, cũng là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng kinh tế xã hội chậm phát triển, nên cần thiết có cơ chế đặ thù để thúc đẩy kinh tế xã hội của vùng này.

Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng tình với các nhóm chính sách như trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với chính sách về tài chính ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, Điều 3 trong dự thảo Nghị quyết quy định về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, cần bổ sung quy định về định hướng sử dụng kinh phí nhằm đạt được mục tiêu của nghị quyết và kết luânj của Bộ Chính tị đối với ưu đãi chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt. Đại biểu cũng đề nghị, Điều 6 quy định về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cần có quy định về tiêu chí thế nào là chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt và điều kiện để được hưởng các chính sách ưu đãi này.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nhấn mạnh, Dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của Thành phố Buôn Ma Thuột. Các đại biểu đề nghị khi tổ chức thực hiện thì các Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tốt công tác quản lý quy hoạch. Việc lập, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch nếu liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh thì cần tính toán kỹ và cần có ý kiến của các Bộ liên quan.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Cho rằng sản xuất, chế biến cà phê là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của Buôn Ma Thuột, một số đại biểu đã chỉ ra rằng, Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột; Doanh nghiệp được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị không vượt quá 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, cần rà soát để quy định chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo tính thống nhất trong tương quan của các quy định hiên hành.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng quan tâm đến quy định chế độ ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, cần có cơ chế phù hợp nhất với tình hình của địa phương để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Minh Hùng - Nghĩa Đức