KIẾN NGHỊ GIA HẠN THỜI GIAN GIẢI NGÂN VỐN CỦA 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA SANG NĂM 2023

28/10/2022

Quan tâm đến 3 Chương trình mực tiêu quốc gia tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm, các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ. Do đó đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023.

TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

 

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại hạn chế như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra. Việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ. Các địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp định mức, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đại biểu Lý Thị Lan, do công tác triển khai giao vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 rất muộn nên đã ảnh hưởng tới công tác giải ngân không chỉ riêng tỉnh Hà Giang mà xảy ra ở hầu hết các địa phương. Trong điều kiện khó khăn và nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023. Đồng thời cũng đề nghị không vì việc kéo dài này mà giảm đi số vốn của 3 Chương trình mục tiêu năm 2023 cho các địa phương để đảm bảo đúng tiến độ mục tiêu của 3 Chương trình giai đoạn 2022-2023.

Bên cạnh đó, đại biểu Lý Thị Lan cho biết, nguyện vọng của cử tri mong muốn tiếp tục được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để các chương trình đầu tư lồng ghép vào vùng miền núi, biên giới cùng với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự phát huy được hiệu quả và là sức bật cho các tỉnh miền núi, biên giới.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Khẳng định việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, càng sớm triển khai 3 Chương trình đi vào cuộc sống ngày nào thì cử tri và Nhân dân miền núi càng nhanh được hưởng lợi từ các Chương trình này. Thời gian thực hiện 5 năm, đến nay đã 2 năm trôi qua nhưng việc thực hiện còn chậm, như báo cáo của Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 9 tháng năm 2022 mới đạt 2,86% và sẽ tạo áp lực cho những năm cuối của giai đoạn, khó khăn cho thực hiện ở địa phương.

Để triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 66 văn bản quản lý và phân bổ nguồn lực tổ chức thực hiện, tính cả văn bản điều hành và giải đáp các vướng mắc, khó khăn của địa phương là 118 văn bản. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nhận thấy, việc ban hành một số văn bản còn chậm, có văn bản hướng dẫn còn quy định nguyên tắc chung chung, chưa bao quát, đánh giá hết tình hình ở địa phương. Một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có hướng dẫn thực hiện, có chương trình việc xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022 còn chậm, chưa đúng với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước thực trạng trên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và tăng cường việc giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện, chỉ trình Hội đồng cấp tỉnh những nội dung thuộc về cơ chế, chính sách, cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2022, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ Trung ương đến cơ sở.

Ngày 27/2/2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 27 quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Tại Điều 40 Nghị định có 12 nội dung giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, tổ chức thực hiện, trong đó có một số việc rất khó như xây dựng, trình Hội đồng tỉnh cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực khác để thực hiện với 3 Chương trình độc lập về nguồn vốn, độc lập về cơ chế quản lý và 3 Ban chỉ đạo khác nhau.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, cần có sự thống nhất chỉ đạo chung cả nước, tránh việc mỗi địa phương làm một kiểu. Đề nghị Chính phủ có những đánh giá nội dung này, cần thiết điều chỉnh sao cho phù hợp. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chỉ đạo giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong năm 2023 cần quan tâm vấn đề trên để có những yêu cầu điều chỉnh kịp thời và hiệu quả.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Chỉ rõ bất cập trong 9 tháng 2022, một số lĩnh vực chưa đạt mục tiêu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7%, vốn đầu tư phát triển của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 3,86%, đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhận thấy, như vậy là rất chậm trễ, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2025.

Đối với các Chương trình tiêu quốc gia, theo đại biểu Đỗ Thị Lan, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, còn vướng mắc một số cơ chế, chính sách phân cấp cho các địa phương khó cụ thể, phải trải qua quy trình, quyết định của Hội đồng nhân dân nên mất rất nhiều thời gian. Công tác phân bổ vốn, giao vốn còn chậm, hết tháng 9/2022 mới hoàn thành giao vốn cho các địa phương. Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế, dẫn đến độ trễ của chính sách quá dài từ khi ban hành đến thực thi đi vào cuộc sống.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ có giải pháp để khắc phục một số những hạn chế trên, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, rút ngắn thời gian phân bổ vốn, giao vốn thực hiện các chương trình, tháo gỡ vướng mắc để thực hiện có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Thống nhất cao với đánh giá, nhận định và các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, mặc dù Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều sự quan tâm đặc biệt, nhưng hạ tầng thiết yếu ở khu vực miền núi vẫn chưa được tập trung đầu tư đồng bộ và thiếu tính kết nối. Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu và thời tiết cực đoan trong những năm gần đây làm cho hầu hết hạ tầng thiết yếu, khu vực miền núi xuống cấp nhanh, hư hỏng nặng. Vì vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống ở vùng đồng bào miền núi, vùng cao, vùng biên giới đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực miền núi, vùng sâu, khu vực biên giới, nhất là giao thông, điện, viễn thông để mở đường, tạo điều kiện cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát huy hiệu quả, trong đó đặc biệt chú ý đầu tư hạ tầng về giao thông.

Nhằm khắc phục tình trạng phân bổ vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm nay quá chậm, đại biểu Lê Văn Dũng nêu rõ, đây là thời điểm thường xuyên xảy ra mưa lũ nên các địa phương không thể giải ngân trong năm nay. Do đó, đồng tình với đề xuất của các đại biểu để khắc phục tình trạng nêu trên, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết của kỳ họp lần này cho gia hạn thời gian giải ngân các nguồn vốn năm 2022 từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2023./.

Bích Ngọc