KỊP THỜI THÁI GỠ VƯỚNG MẮC TRONG CƠ CHẾ TỰ CHỦ BỆNH VIỆN CÔNG

29/10/2022

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế hợp tác, liên doanh, liên kết, cơ chế tự chủ bệnh viện công, hoạt động mua sắm thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế còn nhiều vướng mắc ở cả cơ sở y tế địa phương và Trung ương.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Còn vướng mắc trong cơ chế hợp tác, liên doanh, liên kết, tự chủ bệnh viện công

Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là tổng kết, nhìn nhận, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua. Trao đổi tại các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp. Khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhiều thôn, xã có đồng bào dân tộc thiểu số bị đưa ra khỏi diện khó khăn, đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá rõ hơn về chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình và cá nhân trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thực trạng nhà ở công nhân hiện nay trong cả nước và vấn đề tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong chính sách nhà ở xã hội của công nhân; cần có những quy định đặc thù đối với chính sách nhà ở xã hội của công nhân để thúc đẩy việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu bày tỏ nhất trí việc tăng lương cơ sở từ 01/7/2023; đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP để nâng cao các chế độ phụ cấp đối với cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách. Một số ý kiến cho rằng bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, song việc phát triển đối tượng tham gia là rất khó khăn. Trong đó tình trạng nợ đọng kéo dài, trốn đóng bảo hiểm xã hội không có nhiều sự cải thiện.

Đối với lĩnh vực y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, các đại biểu cho rằng việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là y tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương; nghiên cứu phương án mỗi địa phương có một cơ quan chuyên trách đấu thầu vật tư y tế.

Cùng với đó, các đại biểu cũng nhận định, cơ chế hợp tác, liên doanh, liên kết, cơ chế tự chủ bệnh viện công, hoạt động mua sắm thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế còn nhiều vướng mắc ở cả cơ sở y tế địa phương và Trung ương. Việc phân cấp quyền tự chủ việc mua máy móc, trang thiết bị, thậm chí một số công trình xây dựng cho các bệnh viện công.

Đánh giá khách quan, toàn diện sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với sự hấp dẫn của khu vực công

Tại phiên thảo luận tổ, một số ý kiến cho rằng y tế khu vực công còn gặp nhiều khó khăn, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu do bác sĩ giỏi chuyển sang khu vực tư; chính sách của y tế công, chính sách hỗ trợ, trợ cấp đối với lực lượng y tế còn bất cập, khiến họ không yên tâm công tác; sự tự chủ không nhiều, không hoàn toàn và thực chất của các bệnh viện, cơ sở y tế công; cơ sở y tế tuyến dưới gặp nhiều khó khan. Các đại biểu cũng đề nghị cần có những chính sách, cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế.

Quan tâm đến chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, một số đại biểu cho rằng khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì cắt giảm toàn bộ các chế độ chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định. Do đó, cần có giải pháp để tăng cường việc phát triển kinh tế - xã hội và giảm được nghèo, chống tái nghèo. Một số ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân đang thực hiện theo mệnh lệnh nên không hiệu quả, cách nhận thức và hành xử chưa đúng, phù hợp đối với lĩnh vực này, không bảo đảm theo cơ chế thị trường nên khó thực hiện.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, thu nhập, năng suất lao động, có ý kiến cho rằng tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc sang khu vực tư trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay là điều bất thường và có nguyên nhân là lương, chế độ chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thêm vào đó, các đại biểu cũng nêu quan điểm rằng nguyên nhân của hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc là do yếu tố khách quan của đại dịch COVID-19 khiến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu áp lực lớn về công việc, trong đó chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế chưa đáp ứng được mong muốn, giáo viên phải thay đổi phương thức làm việc. Một nguyên nhân quan trọng khác là do sự phát triển của hệ thống dịch vụ y tế, giáo dục đã thu hút nguồn lực lớn từ khu vực công sang khu vực tư.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với sự hấp dẫn vốn có của khu vực công; đánh giá đối tượng, độ tuổi, trình độ chuyên môn của bộ phận thôi việc.

Phân tích nguyên nhân gây nên hạn chế cho chất lượng của nguồn lao động trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng, tình trạng này xuất phát từ năng lực lãnh đạo có vấn đề, còn tâm lý chưa quyết liệt, né tránh, sợ chịu trách nhiệm; chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo đối với lực lượng lao động thuộc thành phần hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn – đây là đối tượng thiếu khả năng tiếp cận việc làm và thiếu kỹ năng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và thu hút nhân tài làm việc cho khu vực công.

Minh Hùng