THẢO LUẬN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC: TOÀN DIỆN, KHÁCH QUAN, THỂ HIỆN TÂM HUYẾT CỦA ĐBQH VỚI CÁC VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC
Nguy cơ đối mặt với vòng xoáy lạm phát và suy thoái
Theo các đại biểu, kết quả về kinh tế- xã hội trong năm 2022 đã tạo điều kiện rất lớn để nước ta phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, bảo đảm tốt hơn đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng có biến động lớn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh, những thành công của kinh tế-xã hội nước ta không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng; sự điều hành linh hoạt kết hợp một cách uyển chuyển giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, thích ứng với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhìn nhận, dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ bắt nguồn từ đứt gãy các chuỗi sản xuất, khủng hoảng tài chính và diễn ra đồng loạt ở nhiều trung tâm lớn trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán khó cần phải tìm ra lời giải.
Thực tế, trong thời gian qua, lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh, giúp các tổ chức tín dụng có thể huy động thêm nguồn vốn, bảo đảm thanh khoản và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng lãi suất cũng kéo theo chi phí vốn huy động, lãi suất cho vay tăng, gây sức ép lên lạm phát, giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường đóng vai trò rất quan trọng để ổn định giá cả, nhất là hạn chế nguy cơ ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi sản xuất trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, thị trường trong nước cần được xác định là bệ đỡ cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này vừa giúp doanh nghiệp bảo đảm đầu ra, duy trì ổn định sản xuất vừa cung ứng kịp thời hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, lạm phát tâm lý.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cùng với khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Muốn như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Trong đó, cần mở rộng chính sách tài khóa với các công cụ về thuế, phí, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn ưu đãi. Thậm chí, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, mục tiêu thu ngân sách của năm 2023 không nên đặt quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa. Đồng thời, cần công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp chủ động trong chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Điều hành linh hoạt, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn sự quan tâm của cử tri cả nước, các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động của ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định tiếp thu những ý kiến góp ý sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, phát triển kinh tế của đất nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, bối cảnh tình hình năm 2022 biến động rất lớn và khó khăn hơn rất nhiều so với dự kiến đánh giá của Chính phủ vào thời điểm cuối năm 2021.Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lạm phát chỉ xảy ra tạm thời trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, lạm phát đang là xu hướng của toàn thế giới; hiện có hơn 80 quốc gia có mức lạm phát từ hai con số trở lên.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cao và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao, đồng đô la Mỹ (USD) tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác suy giảm. Cá biệt có nhiều đồng tiền mất giá khoảng 30%, dự trữ ngoại hối Nhà nước của các quốc gia đều suy giảm mạnh…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận cho biết, tất cả những diễn biến phức tạp trên đang đặt ra những khó khăn rất lớn cho các Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới. Trong nước, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ giảm lãi suất trong khoảng 0,5 - 1% trong hai năm (2022 và 2023). Đây thực sự là nhiệm vụ rất khó khăn trong hoàn cảnh này.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong 9 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ bằng các công cụ khác nhau với liều lượng hợp lý tùy từng thời điểm. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, cả năm 2022 ước ở mức dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực, là yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến 8% cho cả năm nay.
Nhấn mạnh giải pháp ứng phó với những biến động trong chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định phải chủ động, linh hoạt ứng phó với các biến động.
Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, các tác động của thị trường thế giới đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam là không nhỏ và là điều tất yếu. Do vậy, Việt Nam phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để ứng phó với mọi biến động; điều quan trọng là trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và tiền tệ phải đánh giá tại từng thời điểm để xác định các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn đó.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, xuyên suốt vẫn là phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, trên thực tiễn, số lượng hỗ trợ còn ít; sự giám sát từ sớm, từ xa, những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính xác. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành tiến hành đánh giá, khảo sát trong thời gian tới và có báo cáo tổng thể với Chính phủ và Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cung ứng xăng dầu, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Công Thương phải có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến cái hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những cái giải pháp phù hợp.
Về phía hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu; đồng thời đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh này./.