Thảm họa giẫm đạp kinh hoàng xảy ra trong lễ hội Halloween tại Seoul (Hàn Quốc) đêm 29/10
Đêm 29/10 vừa qua, ít nhất 151 người đã thiệt mạng và 82 người khác bị thương trong thảm họa giẫm đạp kinh hoàng xảy ra trong lễ hội Halloween tổ chức ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Theo các nhân chứng, thảm kịch xảy ra khi dòng người tham gia lễ hội Halloween bị dồn vào một con dốc hẹp ở khu phố Itaewon đông đúc. Một vài người đã bị vấp ngã nhưng đám đông vẫn tiếp tục tiến lên phía trước, gây ra cảnh giẫm đạp. Thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại sự kiện lễ hội tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến bi kịch giẫm đạp xảy ra tại một sự kiện đông người vốn được tổ chức để phục vụ mục đích vui chơi, giải trí.
Ngày 15/9 năm nay, một lễ hội âm nhạc ở Guatemala cũng xảy ra thảm kịch giẫm đạp khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em. Đêm nhạc rock tổ chức ở thành phố Quetzaltenango (Guatemala) đã chứng kiến cảnh hỗn loạn xảy ra khi tất cả khán giả đổ dồn về hai lối cửa ra của trung tâm tổ chức sự kiện, chính lúc này, thảm kịch giẫm đạp xảy ra.
Ngày 5/11/2021, 10 người thiệt mạng và 15 người bị thương phải nhập viện vì thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại đêm nhạc của rapper Travis Scott - lễ hội âm nhạc Astroworld tổ chức ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Hiện tượng chen lấn kinh hoàng đã xảy ra khi đám đông khán giả càng lúc càng đổ dồn về phía sân khấu, gây nên tình trạng hỗn loạn khó kiểm soát. Lễ hội âm nhạc Astroworld dự kiến diễn ra trong hai ngày, thu hút lượng khán giả lên tới 50.000 người mỗi đêm. Bi kịch đã xảy ra ngay trong đêm đầu tiên diễn ra lễ hội, tất cả các hoạt động sau đó đều bị dừng lại. Lễ hội âm nhạc Astroworld là hoạt động biểu diễn chủ yếu xoay quanh rapper Travis Scott.
Ngày 4/2/2006, 73 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương trong đám đông hỗn loạn chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp tại sân vận động PhilSports Arena ở Manila (Philippines). Khi ấy, đã có khoảng 30.000 người tập trung bên ngoài sân vận động với mong muốn tham gia vào một chương trình gameshow truyền hình có tên "Wowowee" - một gameshow này có những phần thưởng giá trị.
Ngày 3/12/1979, đêm nhạc của nhóm nhạc rock đến từ Anh - The Who - tổ chức tại thành phố Cincinnati, bang Ohio, Mỹ, đã gặp sự cố nghiêm trọng. Khi ấy, 11 khán giả đã bị thiệt mạng. Nguyên nhân cũng bởi khán giả đổ dồn về phía sân khấu, khiến sự chen lấn, xô đẩy nghiêm trọng xảy ra sau đó.
Tại những đêm nhạc xảy ra thảm kịch, như đêm nhạc hồi năm 1979 của nhóm The Who hay đêm nhạc hồi năm ngoái của rapper Travis Scott, người ta thấy điểm chung ở đây là khán giả đứng theo dõi chương trình, không có những ghế ngồi cố định vị trí, điều đó khiến đám đông khán giả ở phía xa có xu hướng muốn đổ dồn về phía gần sân khấu. Trong khi đó, những người vốn đã ở gần sân khấu thì không biết phải di chuyển đi đâu. Chính từ đó sẽ nảy sinh sự hoảng loạn, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp... Bi kịch khởi nguồn từ đó.
Ngày 29/12/1991, bi kịch giẫm đạp cũng xảy ra tại một đêm nhạc tổ chức ở Đại học City College nằm ở New York, Mỹ, khiến 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Khi ấy, một trận đấu bóng rổ và một đêm nhạc đã được tổ chức vì mục đích thiện nguyện, với sự tham gia biểu diễn của các rapper như Sean Combs và Heavy D.
Nhiều người thiệt mạng và bị thương trong thảm họa lễ hội Halloween ở Seoul (Hàn Quốc)
Trở lại câu chuyện mới nhất - thảm kịch Halloween ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc vừa qua, rất nhiều người đã thể hiện sự không hiểu, không đồng tình, thậm chí phản đối việc tổ chức lễ hội có nguồn gốc nước ngoài này tại Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người có quan điểm ngược lại.
Nhiều ý kiến cho rằng, thảm kịch Halloween ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc là bài học rất đắt giá và đau lòng, chúng ta phải rút ra được những kinh nghiệm và cần nhận thức tốt hơn để chúng ta có thể thực hiện tốt hơn trong thời gian sắp tới. Đây không phải sự kiện đầu tiên, trước đó một vài tháng, thảm kịch bóng đá ở Indonesia đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. Bây giờ là lúc chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc, kỹ lưỡng hơn, nghiêm túc hơn về cách tổ chức các sự kiện, lễ hội có đông người tham dự ở Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Qua những vụ việc này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, có lẽ chúng ta cần phân tích ở một bối cảnh rộng rãi hơn để hiểu về việc thực hành lễ hội Halloween nói riêng và các lễ hội nước ngoài ở Việt Nam nói chung, từ đó mới có những hiểu biết toàn diện và cách xử lý thấu đáo những hiện tượng này.
Chúng ta đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vì thế, việc xuất hiện các hiện tượng theo trào lưu quốc tế ở nước ta là điều đương nhiên, chắc chắn sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn. Trong những năm vừa qua, các sự kiện như thế đã xuất hiện rất nhiều đến mức chúng ta không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng đó. Không chỉ có Halloween, chúng ta còn có ngày Black Friday, ngày tặng quà, ngày cho bố, cho mẹ, Valentine trắng,... Đây là tín hiệu cho thấy chúng ta đã nhanh chóng hội nhập quốc tế - PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khi chúng ta xác định đây là quy luật của quá trình hội nhập, chúng ta khó có thể thay đổi sự xuất hiện của các sự kiện này. Vì thế, chúng ta chỉ có cách là làm sao tận dụng được những điểm tích cực mà các hiện tượng này có thể đem lại cho đất nước.
Nếu chúng ta ví quá trình mở cửa, quá trình hội nhập quốc tế là đón gió thì có cả cơn gió lành và cả cơn gió độc. Cách làm tốt nhất của chúng ta là đón được gió lành và hạn chế tối đa cơn gió độc. Chúng ta phải thấy được tính tất yếu của việc các sự kiện quốc tế sẽ được tổ chức nhiều ở nước ta và thấy rằng đây là một điều chúng ta không thể tránh khỏi. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận để có sự chuẩn bị, những kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bản chất của lễ hội là những cuộc vui đông người, chính vì thế trong bất kì lễ hội nào, cũng đều diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn và chứa đựng rất nhiều nguy cơ dẫn đến thảm kịch như Hàn Quốc vừa qua. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tổ chức lễ hội theo kiểu chủ yếu giao cho một đơn vị nào đó, tổ chức theo khả năng, điều kiện và nhận thức của mỗi địa phương. Nhưng càng ngày sẽ càng khó khăn hơn vì quy mô của các lễ hội sẽ lớn hơn với sự tham gia của rất nhiều người.
“Chính vì thế, chúng ta cần tổ chức các sự kiện, lễ hội như thế này một cách chuyên nghiệp và phải có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành hay các tổ chức. Cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm để tạo ra sự phối hợp với tất cả các bên. Việc tổ chức lễ hội, sự kiện không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà nó liên quan đến cả giao thông vận tải, y tế, điện lực và an ninh…Chúng ta cần có đầu mối, có sự phối hợp để tổ chức sự kiện này một cách chuyên nghiệp hạn chế những tổn thất lớn xảy ra", PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Thực tế, các sự kiện văn hóa quốc tế vừa có tính quy luật, vừa đem lại cả tác động tiêu cực và tích cực. Quy luật tiếp biến văn hóa là: Đầu tiên chúng ta sẽ bắt chước nguyên vẹn, cả nội dung và hình thức của sự kiện đó như nó vốn có ở nước ngoài. Sau đó, chúng ta sẽ đưa thêm những nội dung và hình thức Việt Nam. Cuối cùng, chúng ta sẽ có được một sự kiện Việt Nam hóa hoàn toàn. Những sự kiện trước kia trong văn hóa đất nước, từ tết Nguyên tiêu, Rằm Trung thu, gần đây như ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hay rất nhiều các sự kiện khác đã đi theo đúng quy luật đó.
Về tác động tiêu cực, việc thực hành sinh hoạt văn hóa nước ngoài khiến cho người tham gia lãng quên văn hóa dân tộc, không ý thức được về những giá trị dân tộc đề cao, dẫn đến tình trạng vọng ngoại. Về tác dụng tích cực, sự tham gia các sự kiện này, nếu có những nội dung văn hóa Việt Nam, sẽ giúp người dân có thêm một sự kiện giải trí, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, góp phần giáo dục, lan tỏa những thông điệp về văn hóa. Không những thế, những sự kiện này còn giúp phát triển kinh tế - xã hội, đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều đối tượng. Đấy là lý do chúng ta cần có một cách nhìn toàn diện, khách quan về các sự kiện văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Để các sự kiện này đóng góp thêm vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam, xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam, cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều quan trọng chúng ta phải đưa việc thực hành này đi theo đúng quy luật tiếp biến văn hóa, và thúc đẩy quá trình này được thực hiện nhanh hơn, để các hiện tượng văn hóa nước ngoài có thêm những nội dung, hình thức thể hiện văn hóa Việt Nam, có tác dụng tích cực đối với sự phát triển đất nước.
Những ví dụ chúng ta thấy gần đây khi một số nhà trường đã đưa nội dung gần gũi với các em như giới thiệu ẩm thực địa phương, tri ân cha mẹ, thầy cô, hay kể cả an toàn giao thông, chống bạo lực học đường... Đó chính là những cách tích cực để chúng ta phát huy giá trị của lễ hội này phù hợp với điều kiện Việt Nam. Không chỉ như thế, thay vì việc phải mua những sản phẩm phục vụ Halloween của nước ngoài, những nhà sản xuất trong nước có thể tham gia nhiều hơn để có những sản phẩm của Việt Nam, mang những thông điệp, hình ảnh văn hóa Việt Nam, từ đó giúp văn hóa đem lại sức mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Có được những giải pháp như thế, chúng ta sẽ vừa chứng minh được sự hội nhập quốc tế chủ động của đất nước, vừa biến quá trình hội nhập ấy trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước.
Hội nhập quốc tế là quá trình không thể đảo ngược và không có một quốc gia nào có thể lảng tránh xu hướng tất yếu này. Điều quan trọng là chúng ta cần biết cách dựa trên bản lĩnh và sự tự tin văn hóa của dân tộc mình, chọn lọc tinh hoa để biến quá trình ấy trở thành quá trình tạo thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển đất nước./.