QUỐC HỘI QUYẾT ĐỊNH LÙI THỜI ĐIỂM THÔNG QUA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

05/11/2022

Ngày 05/11, trên cơ sở kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã nhất trí rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội ngày 05/11/2022

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết qua App Quốc hội đối với 02 nội dung:

Một là, bổ sung nội dung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam vào chương trình Kỳ họp thứ 4; Hai là, rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo kết quả biểu quyết, đa số các vị đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thống nhất bổ sung nội dung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam vào chương trình kỳ họp và rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 4.

Như vậy chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã có sự điều chỉnh. Theo chương trình mới, sáng ngày 07/11 tới, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.

Liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận lần đầu về dự án luật này, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này tại hội trường vào sáng 24/10. Đã có 28 lượt phát biểu ý kiến, tranh luận tại Hội trường và 06 đại biểu Quốc hội đã gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào sáng 24/10

Các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về hầu hết các điều khoản của dự thảo Luật. Trong đó, một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: về giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm; Hội đồng Y khoa Quốc gia; hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; trực khám bệnh, chữa bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, bắt buộc chữa bệnh; về cấp chuyên môn kỹ thuật; nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và thiết bị y tế; huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ...

Trước đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cân nhắc xem xét thông qua dự án luật trong 3 kỳ họp sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, vì còn nhiều vấn đề trong dự thảo luật chưa được làm rõ, nhất là liên quan đến mặt chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ, tinh thần của cơ quan thẩm tra là không ngại khó, ngại khổ, đã làm việc ngày đêm về dự án luật này, nhưng nhiều vấn đề lại phụ thuộc vào phía cơ quan cơ quan soạn thảo. Cơ quan soạn thảo là cơ quan xây dựng, thiết kế chính sách và cũng là cơ quan thực hiện các chính sách, mọi quyết định dù là của Quốc hội, nhưng ý kiến của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng và tiên quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp thứ 16 (tháng 10/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ vào diễn biến và kết quả góp ý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình với Quốc hội quyết định thông qua ngay tại kỳ họp này hay để sang kỳ họp sau.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng nên không chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập. Tinh thần là phấn đấu, nỗ lực cao nhất, không phân biệt Chính phủ hay Quốc hội mà các cơ quan cùng vào làm đảm bảo được mục tiêu đã đề ra từ đầu là đến ngày 01/01/2024 luật này sẽ có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.

Bảo Yến