TIẾP TỤC KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC TƯ PHÁP

07/11/2022

Sáng mai (08/11), thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Sáng mai (08/11), thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Trước đó, tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Tại cuộc họp, thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động, xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 81,18%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm. Vẫn còn các trường hợp khởi tố oan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Đối với báo cáo công tác của ngành kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác của ngành kiểm sát vẫn còn một số tồn tại cần kịp thời khắc phục như: còn để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn. Mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị.

Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính vẫn còn hạn chế, tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận tiếp tục giảm và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Qua kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp năm 2022 cho thấy: tại một số Viện kiểm sát địa phương, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới ít phát hiện được vi phạm, mặc dù có các bản án hành chính sơ thẩm bị hủy, nhưng trong nhiều năm Viện kiểm sát không có kháng nghị nào.

Thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%). Vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án; áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; một số trường hợp áp dụng án treo không đúng.

Với công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tỷ lệ giải quyết vụ việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (trên 78%); còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Còn một số trường hợp vi phạm về thời hạn chuyển giao văn bản tố tụng, trả lại đơn khởi kiện…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, dù các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết án hành chính, nhưng tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội (trên 60%). Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Một số trường hợp còn có vi phạm, nên Viện kiểm sát đã ban hành 109 kiến nghị yêu cầu khắc phục và được chấp nhận thực hiện.

Sau Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các báo cáo này. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản tán thành với nội dung các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ, ngành Kiểm sát nhân dân, ngành Tòa án nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với các năm trước. Kết quả công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng đã đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, hoạt động đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chế độ chính sách, các điều kiện đảm bảo hoạt động đối với các cơ quan tư pháp còn hạn chế, cơ sở vật chất và một số điều kiện bảo đảm hoạt động chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.

Để hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tháng 10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan để bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội (số liệu từ ngày 01/10/2021 đến 30/9/2022). Trong đó, cần đánh giá sâu sắc hơn bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2022, làm rõ những điểm mới so với năm 2021 và các năm gần đây đánh giá đầy đủ những kết quả đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích diễn biến và xu hướng vi phạm pháp luật, tội phạm, tham nhũng để có những giải pháp phòng, chống hiệu quả; làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm trong công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm khách quan, toàn diện, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nghiệp vụ, pháp luật và chính trị. Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng nội dung Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp năm 2022, đánh giá đầy đủ tình hình, kết quả, hạn chế và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Minh Hùng

Các bài viết khác