Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.
Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá cao sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi Luật Đấu thầu hiện hành, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể với kỳ vọng Luật sửa đổi sẽ khắc phục những bất …
Theo Luật sư Lê Minh Phiếu, Công ty Luật TNHH LMP, một trong những bất cập của Luật Đấu thầu hiện hành là quy trình, thủ tục đấu thầu còn phức tạp, kéo dài, nhất là thủ tục đấu thầu công tại địa phương khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và việc đưa công trình vào khai thác bị chậm lại và không kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, gây lãng phí về tài nguyên, sức lực và ngân sách của cả bên mời thầu lẫn bên dự thầu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Chương III Dự thảo đã đáp ứng được mục tiêu đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu theo như Tờ trình đề ra, từ đó góp phần cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu trong thực tiễn.
Luật sư Lê Minh Phiếu cũng cho rằng, dự thảo cũng bổ sung quy định về “Đấu thầu trước” theo đó cho phép chủ đầu tư được triển khai trước một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu và quy định về “Tùy chọn mua thêm” theo đó cho phép chủ đầu tư có thể mua bổ sung cacs hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó. Việc bổ sung quy định như trên là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của thực tiễn khi góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với quy trình, thủ tục thực hiện dự án thông thường. Tuy nhiên, luật sư cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo lưu ý một số vấn đề như: vấn đề kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể cho dự án đầu tư phát triển; chưa có cơ chế thông báo tham gia đấu thầu trước; quy định “cần thiết để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu ” còn chưa rõ ràng;…
Luật sư Lê Minh Phiếu, Công ty Luật TNHH LMP
Đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi luật Đấu thầu hiện hành, ông Phan Văn Lâm, Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho rằng, dự thảo sửa đổi cho thấy đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước. Luật Đấu thầu cũng đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu thầu, nhất là đấu thầu qua mạng, tạo sự công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, ông Phan Văn Lâm đề nghị cần làm rõ trường hợp nào thì người có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư, trường hợp nào không? Khái niệm “trường hợp cần thiết” là chưa thực sự đủ rõ ràng, mang tính chung hcung có thể khiến việc ký kết hợp đồng dự án đầu tư bị kéo dài gây khó khăn cho nhà đầu tư, nhũng nhiễu tiêu cực có thể xảy ra. Nếu phải xác minh thì nên quy định rõ thời gian xác minh là bao nhiêu?. Việc quy định rõ sẽ đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.
Ông Phan Văn Lâm, Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean
Chuyên gia ĐMST Nguyễn Thy Nga, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiện nay chưa cập nhật kịp thời các thông lệ quốc tế trong hoạt động đấu thầu theo các hiệu định mới được ký giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hiệu lực ngày 01/8/2020, dẫn đến còn nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện các điều khoản về đấu thầu, mua sắm.
Theo Chuyên gia ĐMST Nguyễn Thy Nga, EVFTA cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với bảo hộ bằng sáng chế, bản quyền hay các quyền độc quyền khác. Do đó, Luật Đấu thầu có thể xem xét bổ sung trường hợp có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đàm phán hợp đồng trực tiếp đối với các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghệ cao, mua sắm xanh, sản phẩm trong nước thay thế hàng nhập khẩu, sản phẩm lần đầu xuất hiện trên thị trường trong nước nếu thuộc trường hợp nêu trong quy định của EVFTA để hỗ trợ các nhà sản xuất và nhà thầu trong nước.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Quan tâm tới dự luật, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên 5 nhóm Chính sách và dự thảo Luật đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn so với Luật Đấu thầu 43/2013/QH13.
PGS.TS Đặng Văn Thanh lưu ý, một số quy định trong dự thảo còn chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy cần cân nhắc và quy định lại cho rõ ràng hơn. Cụ thể: quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư; hủy thầu và trách nhiệm hủy thầu; đấu thầu trước;….
Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, quy định về đấu thầu trước (khoản 5, Điều 39) chưa đảm bảo quyền lợi của các nhà thầu tham dự đấu thầu, khi các nhà thầu đã bỏ ra chi phí thời gian, tiền bạc để chuẩn bị hồ sơ thầu, tham dự đấu thầu và cuộc đấu thầu này là hợp pháp. Việc dự án không đợc phê duyệt là lỗi của bên mời thầu, chủ đầu tư khi không lường trước được tình huống này mà vẫn tổ chức đấu thầu. Do đó, trường hợp này các nhà thầu phải được đền bù chi phí.
Nhấn mạnh việc hoàn thiện Luật Đấu thầu với các hiệu chỉnh bổ sung như báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư để đồng bộ với quá trình phát triển là cần thiết và phù hợp, TS. Nguyễn Duy Đông, Học viện Chính sách và Phát triển kiến nghị, xem xét cso quy dịnh cụ thể hơn về trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước ban hành kịp thời các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, công nghệ cũ, mới, sáng tạo,… của từng lĩnh vực. Ngoài ra, trong luật cần có nội dung cụ thể giao trách nhiệm Tổng cục thống kê quốc gia xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu ngày càng chi tết, đầy đủ hơn, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và thuận tiện, hỗ trợ cùng hệ thống chỉ só giá xây dựng hiện hành để chủ đầu tư tự tin sử dụng loại hợp đồng có điều chỉnh trượt giá rộng rãi hơn, giải tỏa các vướng mắc không đáng có của biến động giá cả trên thị trường tự do tác động đến quản lý chi phí,…/.