Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính Trụ sở Trung ương Đảng
Tham gia chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng…
Tại điểm cầu Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội kết nối với điểm cầu Trung ương có sự tham dự của: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội; thành viên Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc UBTVQH; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan; Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở;…
Điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, để sớm đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Hội nghị cũng thể hiện ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.
Tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã quán triệt những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỉ lệ lấp đầy còn thấp. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế... Tốc độ đô thị hoá và chất lượng đô thị còn thấp. Các đô thị trung tâm vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng…
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, QPAN và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và QPAN biển đảo của Tổ quốc. Đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao;...
Về một số chỉ tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5-3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 11,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40,7%; dịch vụ chiếm khoảng 37,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 10,3%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2-3 điểm % so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước...
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Ban cán sự Đảng Chính phủ trình bày dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đại diện Đảng đoàn Quốc hội trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và tham luận của các bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng…
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số vấn đề về nội dung cơ bản của Nghị quyết số 26/NQ-TW. Trong đó, tập trung và làm rõ 3 câu hỏi: Một là, vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?; Hai là, những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết?; Ba là, cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?
Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết số 26/NQ-TW lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng. Theo đó, Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng của Vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Một trong những nội dung hoàn toàn mới của Nghị quyết được Tổng Bí thư nêu rõ là, Nghị số 26/NQ-TW đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030: "Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biển, đảo được bảo vệ vững chắc; các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường".
Đồng thời, quyết tâm phấn đấu để đến năm 2045: "Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một vùng phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường".
Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư yêu cầu, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển Vùng, …tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Bên cạnh đó, cần xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng; Giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước; Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng; …
Tổng Bí thư cũng lưu ý, cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng;…. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng Sông Hồng để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Vùng đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Ngay sau Hội nghị, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, Tổng Bí thư đề nghị, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong Vùng cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh. Đồng thời, Ban cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, Ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần sáng tạo,… cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ./.