DÀNH NGUỒN LỰC THỎA ĐÁNG ĐỂ XÂY DỰNG, KẾT NỐI , KHAI THÁC CÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA

21/11/2022

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần dành nguồn lực thỏa đáng để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia.

 

Toàn cảnh phiên chất vấn

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo các đại biểu, hiện nay người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp giấy tờ liên quan ở dạng bản giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công, dẫn đến không thúc đẩy kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số, nhiều trường hợp còn làm tăng thêm việc, tăng thêm thời gian xử lý.

Dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vẫn còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất; người dân, doanh nghiệp vẫn phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần, thủ công, đi lại nhiều nơi khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công; công chức phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm.

Bên cạnh đó, các cơ quan tổ chức chưa thực hiện mở dữ liệu theo quy định của pháp luật do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu, về quyền và trách nhiệm của cơ quan chia sẻ dữ liệu, và về các biện pháp bảo đảm an toàn, thông tin mạng.

Các đại biểu cho rằng, việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia còn khó khăn trong quản lý, chưa tối ưu về mạng lưới, về nguồn lực triển khai, gây bối rối cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, việc triển khai dữ liệu và căn cứ pháp lý để khai thác dữ liệu phục vụ cải cách hành chính vẫn chưa đồng bộ. Dữ liệu vẫn chưa thay thế hoàn toàn được giấy tờ, điều này gây thêm gánh nặng cho các cơ quan, tổ chức khi phải thực hiện các hoạt động điện tử và thủ công song song. Sự chuyển tiếp giữa chính sách sử dụng dữ liệu thay thế giấy tờ còn chưa liền mạch và đồng bộ gây khó khăn, bối rối cho người dân.

Cùng với đó, việc xây dựng dữ liệu tại các cơ quan nhà nước triển khai chậm. Thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu quy hoạch cơ sở dữ liệu cần xây dựng (mới có khoảng 1/3 số bộ, ngành, địa phương ban hành được danh mục các cơ sở dữ liệu). Việc tổ chức, thiết kế dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu còn mang nặng tính cục bộ, tính sự vụ, tính dự án. Dữ liệu vẫn rời rạc, phân tán, cát cứ, thiếu tính liên kết. Tính tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, chia sẻ dữ liệu thấp.

Cũng theo các đại biểu, các cơ quan chưa chủ động cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài. Tính đến hết Quý III/2022, mới có 9% các bộ, ngành, địa phương cung cấp dữ liệu mở. Việc chậm cung cấp dữ liệu mở dẫn đến hạn chế sự tham gia của xã hội vào thúc đẩy chuyển đổi số.

Nhu cầu khai thác dữ liệu của các cơ quan khác thì cao nhưng yêu cầu cụ thể nội dung, mục đích thì còn lúng túng. Nhiều cơ quan muốn lấy toàn bộ dữ liệu của cơ quan khác dẫn đến sự phát sinh vấn đề cần giải quyết giữa khai thác, chia sẻ dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin.

Đưa ra giải pháp khắc phục thời gian tới, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị trong đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các văn bản, quy định để điều chỉnh ngay quy trình, nghiệp vụ bảo đảm khi đã có dữ liệu chính xác thì thay thế được các bản giấy. Trước tiên là khai thác dữ liệu dân cư và không yêu cầu sổ hộ khẩu giấy, giấy đăng ký kết hôn, v.v. trong các thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng hoàn thành việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, các cơ sở dữ liệu đã triển khai xây dựng phải quán triệt, nhanh chóng xây dựng và ban hành quy định về cấu trúc thông điệp dữ liệu chia sẻ, công bố công khai dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia để dữ liệu được lưu thông thông suốt theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, cần tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên triển khai. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành, các địa phương cần chi tiết hóa thành kế hoạch và triển khai nhanh chóng để làm cơ sở kích thích phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, nguồn lực xây dựng và duy trì là rất quan trọng. Bộ Tài chính, Bộ TT&TT và các bộ, ngành cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, phương án thu phí được từ dữ liệu để tái đầu tư, duy trì dữ liệu “sống”; đề xuất cơ chế, phương án kinh phí để duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để bảo đảm huyết mạch chia sẻ dữ liệu quốc gia được thông suốt và phát triển bền vững. Cơ quan nhà nước cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các chuyên gia về dữ liệu.

Minh Hùng