TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP NHẰM QUẢN LÝ HIỆU QUẢ CÁC NỀN TẢNG XUYÊN BIÊN GIỚI

24/11/2022

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, đồng thời yêu cầu cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác.

Theo đó, các đại biểu chỉ ra rằng, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: khái niệm “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, mạng xã hội, “tư nhân hoá” báo chí chưa được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật về báo chí và thông tin điện tử nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng, điển hình như hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nội dung phát tán nhanh, khi có vi phạm thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất thời gian.

Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này, các đại biểu cho rằng quy định của pháp luật hiện hành chưa chặt chẽ, đầy đủ trong việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”, tự sản xuất tin bài hoặc cung cấp nội dung gây nhầm lẫn như là cơ quan báo chí.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Cùng với đó, Các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước, và một số quy định đã trở nên lạc hậu, bất cập trước sự phát triển rất nhanh của Internet và công nghệ, khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng, phát triển kinh doanh. Trong khi đó, các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng những năm gần đây, thu hút rất đông người dùng trong nước và chi phối lên đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến do các quy định quản lý hoạt động của nhóm đối tượng này cả về nội dung, về quảng cáo và thuế còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, thêm vào đó một số mạng xã hội nước ngoài lớn Facebook, Youtube… còn lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo các đại biểu, những bất cập này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới với lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan quản lý Nhà nước khó xử lý, rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định; các quy định chưa đủ chặt chẽ, chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.

Chia sẻ về giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp sau nhằm tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước. Cụ thể:

Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm “báo hóa”, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước lên trên trang https://mic.gov.vn.

Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Bộ trưởng nêu rõ, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội đến các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu, nâng cao ý thức, trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng. Phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài.

Ngoài ra, cần tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu,  nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, phát triển hiệu quả hệ thống các đường dây nóng (hotline) và các phương tiện công nghệ thông tin (email, ứng dụng nhắn tin, trên mạng xã hội...).

Minh Hùng