KỲ HỌP THỨ 4 QUỐC HỘI KHÓA XV: THỂ HIỆN RÕ TINH THẦN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

28/11/2022

Sáng 28/11, tại Phiên họp thứ 17, UBTVQH nhấn mạnh thành công của Kỳ họp thứ 4 – kịp thời thể chế hóa và lan tỏa tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng khóa XIII, khẳng định tinh thần tiếp tục đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, vai trò trung tâm của các vị ĐBQH,... Đồng thời, đề nghị Chính phủ bám sát, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

PHIÊN HỌP THỨ 17: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 4, CHUẨN BỊ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG, KỲ HỌP THỨ 5 CỦA QUỐC HỘI

Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Lan tỏa tinh thần Nghị quyết Hôi nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng khóa XIII

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan, cơ bản thống nhất với Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ 4. Căn cứ vào ý kiến thảo luận tại Phiên họp, ý kiến của các vị ĐBQH, căn cứ báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH, tổng hợp ý kiến tiếp xúc cử tri;... cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả của Kỳ họp thể hiện định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và giám sát tối cao. Đồng thời, kỳ họp thứ 4 cũng đã giải quyết một khối lượng lớn công việc với thời gian được rút ngắn hơn so với thông lệ nhưng vẫn đảm bảo và nâng cao được chất lượng.

Bài học về công tác chuẩn bị “từ sớm từ xa”, công tác phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan quan hữu quan được Chủ tịch Quốc hội nhắc lại là một trong những tiền đề quan trọng mang lại thành công của Kỳ họp và cần tiếp tục được phát huy trong công tác chuẩn bị cho các kỳ họp tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đổi mới/nâng cao chất lượng kỳ họp theo hướng phát huy dân chủ và tăng tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kỳ họp lần này, đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như diễn ra kỳ họp. Tinh thần này lan tỏa từ kết quả của Hội nghị trung ương lần thứ 6, lan tỏa sang cả hệ thống chính trị trước hết là kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, đảm bảo được sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng Đoàn Quốc hội; công việc tiến hành tại kỳ họp đã đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật (Luật Tổ chức Quốc hội; Luật hoạt động giám sát; Nội quy kỳ họp...).

Đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong hoạt động Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, không một ý kiến nào của ĐBQH mà không được tổng hợp, giải trình đầy đủ kể cả ý kiến phát biểu tại Tổ lẫn ý kiến tại Hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan phân tích kỹ lưỡng, tiếp thu và tìm phương án tối ưu đối với tất cả ý kiến góp ý, phát biểu của ĐBQH. Trước khi biểu quyết thông qua mỗi dự án luật, đều có văn bản của Chính phủ thể hiện sự đồng tình, thống nhất. “Quốc hội rất cầu thị, lắng nghe, và càng thấy được vai trò của ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội...” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với khối lượng công việc dự kiến, đề nghị Chính phủ bám sát hơn chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Liên quan đến công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu kỹ nội dung lựa chọn chât vấn tại kỳ họp, tính toán thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; một số vấn đề cấp bách kết hợp thảo luận tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội;...

Chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng

Về kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp bất thường chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của một trong các chủ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ hoặc là 2/3 ĐBQH kiến nghị và chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao,...

Nhấn mạnh mặc dù là vấn đề cấp bách nhưng nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì cũng không thể tổ chức Phiên họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các nội dung Chính phủ trong quá trình chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp bất thường phải  thể hiện, đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên.

Cơ bản thống nhất với 07 nội dung Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 được nêu tại văn bản 7828/VPCP-QHĐP, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu Chính phủ muốn bổ sung thêm nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ nhưng quan trọng nội dung này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời gian quy định.

Thống nhất cao đối với 04 nội dung được Chính phủ trình tại tại Kỳ họp bất thường lần 2 bao gồm: (1) Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; (2) Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (3) Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; (4) Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và đáp ứng thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Đồng thời, thống nhất thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 2 là trong tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2023.

Liên quan đến, hình thức tổ chức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án: phương án 1 theo hình thức họp trực tuyến (tập trung ĐBQH hoạt động chuyên trách và kết nối với các điểm cầu tại địa phương) và phương án 2 là họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có văn bản đề nghị Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua và xây dựng kế hoạch để triển khai trong thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các dự án luật, nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, báo cáo tại Phiên họp về tổng kết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất cao, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. Quốc hội đã xem xét, thông qua 06 luật, 13 nghị quyết; thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật; giám sát tối cao 01 chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra để các cơ quan, tổ chức có cơ sở triển khai, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững. Kết quả của kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Về cách thức tiến hành kỳ họp và công tác bảo đảm khác, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, chặt chẽ, dành thời gian để các cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp và được chỉnh lý phù hợp, bảo đảm đúng quy trình, trình tự theo quy định. Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình kỳ họp được thực hiện kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, không làm tăng thêm thời gian kỳ họp và nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch khoa học, chuyên nghiệp, linh hoạt; phát huy được tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu, hạn chế ý kiến trùng lặp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp. Kết luận các phiên thảo luận ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề đặt ra, có sự thuyết phục, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nội dung;…

Công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp chủ động hơn, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, được định hướng rõ ràng, nội dung phong phú, thông tin đa dạng, nhiều chiều, phương thức sinh động, phản ánh khách quan, sâu rộng, toàn diện, sâu sắc, sát diễn biễn kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri theo dõi, nắm bắt, đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các vị đại biểu Quốc hội và kết quả các phiên họp. Tại Kỳ họp này, nhiều phiên thảo luận tại Hội trường tiếp tục được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch, gần gũi, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.

Việc mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố dự thính các phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực cho đại biểu các cơ quan dân cử, thể hiện mối quan hệ gắn bó, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan dân cử, cần tiếp tục triển khai ở các kỳ họp tới.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 02 bên (Thỏa thuận Coca); Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ 4, Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Quốc hội khóa XV

Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp thứ 17 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp bất thường chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của một trong các chủ thể sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ hoặc là 2/3 ĐBQH kiến nghị và chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao,...

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp thứ 17 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đồng tình với nội dung cơ bản tại Báo cáo Tổng kết kỳ họp thứ 4. Đồng thời, đánh giá cao nhiều đổi mới trong công tác tham mưu phục vụ, tổ chức kỳ họp của Văn phòng Quốc hội. Về Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội;...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhất trí cao với các dự thảo báo cáo. Làm rõ hơn thành công của Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Chương trình kỳ họp thứ 4 đã được sắp xếp hợp lý, khoa học; sử dụng tối đa và hiệu quả thời gian kỳ họp. Kỳ họp đã phát huy dân chủ, phát huy tối đa trí tuệ tập thể; công tác giải trình tiếp thu được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, thấu đáo;...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, thành công của Kỳ họp là kế tiếp thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, không khí của Hội nghị Trung ương 6 đã được lan tỏa tại kỳ họp và toàn xã hội. Một trong những bài học kinh nghiệm được rút là bám sát sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng Đoàn Quốc hội trong suốt quá trình chuẩn bị trước kỳ hop và quá trình diễn ra kỳ họp. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất cao, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Phiên họp 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thống nhất cao với dự thảo Báo cáo đánh giá Kỳ họp thứ 4. Liên quan đến Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Phó Thủ tướng Chính phủ đã làm rõ thêm 07 nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ đã giao các bộ, ngành có liên quan tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng những nội dung có liên quan đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác