TS.TRẦN MINH CHÍNH: THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG THỂ THIẾU ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ

02/12/2022

"Hội thảo Văn hóa 2022" do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục tham gia tổ chức vào tháng 12 tới là vấn đề nội cổm được xã hội quan tâm. Đề cập quan điểm xung quanh Hội thảo, TS.Trần Minh Chính - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng, thể chế, chính sách và nguồn lực là những vấn đề tiên quyết để nuôi dưỡng sự phát triển văn hoá hiện nay.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐƯA VĂN HÓA TRỞ THÀNH SỨC MẠNH NỘI SINH, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH VĂN HÓA Ở ĐỊA PHƯƠNG

Phát biểu tại Phiên họp của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 diễn ra vào đầu tháng 11/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tích cực triển khai Kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa mà Tổng Bí thư đã chỉ ra là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới; phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.


Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Đóng góp quan điểm xung quanh Hội thảo trên, TS.Trần Minh Chính - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng, Hội thảo văn hóa năm 2022 có chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”. Đây là những vấn đề tiên quyết, không thể thiếu để nuôi dưỡng sự phát triển văn hoá hiện nay. Do vậy, bàn về thể chế, xây dựng chính sách và huy động nguồn lực cho văn hoá là bàn về những vấn đề căn cốt của phát triển văn hoá.

Phóng viên: Theo ông, thời gian qua nền văn hoá nước ta đã có những thành tựu nổi bật gì? Đâu là những thách thức khó khăn?

TS.Trần Minh Chính: Nếu giới hạn “Thời gian qua” là thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay) thì theo tôi, nền văn hoá nước ta có những thành tựu cơ bản nổi bật dưới đây:

Thứ nhất, nhìn từ góc độ định hướng và lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bước phát triển lớn về tư duy lý luận khi khẳng định, trong thời kỳ cách mạng mới, đòi hỏi phải giải quyết văn hoá theo nghĩa rộng cả cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược và những vấn đề trước mắt. Văn hoá phải thật sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội từ Trung ương tới cơ sở.

Vai trò của văn hoá được xác định thật rõ ràng là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu, là nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước. Tư duy đó được thể hiện trong các văn kiện của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yầu cầu phát triển bền vững đất nước.


TS.Trần Minh Chính - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Thứ hai, về mặt thể chế, đường lối nói trên được cụ thể hoá thành hệ thống chính sách, pháp luật khá đầy đủ và cơ bản trong suốt thời kỳ đổi mới như: Hiến pháp (sửa đổi); các luật và pháp lệnh về di sản văn hoá, sở hữu trí tuệ, báo chí, xuất bản, điện ảnh, phòng chống bạo lực gia đình…; các chiến lược về phát triển văn hoá, công nghiệp văn hoá, văn hoá đối ngoại… Đây là những cơ sở pháp lý vững chắc để chúng ta xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ ba, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao (TCVHTT) đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ở hầu khắp các vùng miền của đất nước trong một hệ thống từ trung ương xuống cấp cơ sở xã, thôn. Đặt biệt, để phù hợp với cơ chế thị trường, đã hình thành và phát triển một hệ thống TCVHTT dân lập đang thể hiện sức trẻ và khả năng thu hút công chúng mạnh mẽ, cùng với hệ thống TCVHTT công lập làm phong phú, đa dạng đời sống văn hoá, nâng cao đáng kể mức hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của nhân dân.

Thứ tư, mạng lưới nghe nhìn, truyền thông đại chúng phát triển nhanh, mạnh đem lại cho người dân nhiều sự lựa chọn văn hoá chất lượng, phong phú, đa dạng, giúp nâng cao dân trí, năng lực tư duy và thẩm mỹ của người dân về văn hoá…

Về những thách thức, khó khăn trong phát triển văn hoá có thể thấy nổi lên những vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, đó là nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hoá trong đời sống xã hội của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hoá ở các cấp. Trình độ và trách nhiệm xã hội của phần đông đội ngũ người làm văn hoá chưa tương xứng với nhiệm vụ.

Thứ hai, mặt trái của cơ chế thị trường, sự bùng nổ khó kiểm soát của công nghệ thông tin, hội nhập văn hoá vội vã và thiếu chọn lọc cũng phát sinh nhiều hệ luỵ  tiêu cực trong đời sống và môi trường văn hoá.

Thứ ba, những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị lớn ngang tầm thời đại còn quá khan hiếm…

Thứ tư, đầu tư ngân sách cho phát triển văn hoá còn quá eo hẹp, không tương xứng với mức độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và nhiệm vụ chiến lược phát triển văn hoá đã được Nhà nước phê duyệt.

Phóng viên: Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức đang đến rất gần. Ông có đánh giá thế nào về nội dung chủ đề của Hội thảo đặt ra trong bối cảnh phát triển văn hoá ở nước ta hiện nay?

TS.Trần Minh Chính: Trước hết, khi đọc tên chủ đề Hội thảo, tôi đã nhận thấy đây là một Hội thảo đề cập tới những vấn đề lớn cần bàn để có thể phát triển văn hoá cả trước mắt và lâu dài. Tôi nghĩ, bản thân tôi thật vinh dự khi được tham luận tại Hội thảo này. Về nội dung của chủ đề Hội thảo là thể chế, chính sách và nguồn lực, theo tôi đều là những vấn đề tiên quyết, không thể thiếu để nuôi dưỡng sự phát triển văn hoá hiện nay.


Thể chế, chính sách và nguồn lực là những vấn đề tiên quyết để nuôi dưỡng sự phát triển văn hoá hiện nay (ảnh minh họa: Internet).

Thể chế văn hoá là vấn đề tổ chức bộ máy và xây dựng hành lang pháp lý giúp vận hành và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Chính sách văn hoá ở Việt Nam là tổng thể các nguyên tắc hoạt động thể hiện đường lối phát triển văn hoá của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hành thông qua các biện pháp mang tính can thiệp và định hướng vào quá trình phát triển văn hoá.

Còn nguồn lực để phát triển văn hoá, theo tôi, có hai nguồn lực chính là nguồn lực con người (nhân lực) và nguồn lực vật chất - tài chính. Mối quan hệ giữa thể chế, chính sách và nguồn lực là mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng vừa là tiền đề vừa là hệ quả của nhau, hay nói cách khác là mối quan hệ nhân quả, tác động trực tiếp vào quá trình và kết quả phát triển văn hoá. Do vậy, bàn về những vấn đề thể chế, xây dựng chính sách và huy động nguồn lực cho văn hoá là bàn về những vấn đề căn cốt của phát triển văn hoá.

Phóng viên: Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào để xây dựng nền công nghiệp văn hoá (CNVH) hội nhập với thế giới, đặc biệt là chú trọng tới cải cách thể chế, chính sách pháp luật?

TS.Trần Minh Chính: Các ngành CNVH Việt Nam được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Triển lãm; Phát thanh và Truyền hình; Du lịch văn hoá. Theo tôi, để phát triển các ngành CNVH Việt Nam hiện nay cần một số giải pháp cơ bản sau:

Một là: Cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tầm quan trọng của các ngành CNVH trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường; đồng thời phổ biến, cập nhật đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển các ngành CNVH.

Hai là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý trên cơ sở đặc thù văn hoá Việt Nam, có tính đến tiếp thu kinh nghiệm của các nước có các ngành CNVH phát triển cao hiện nay.

Ba là: Tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao đồng thời với nhiệm vụ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sáng tạo và sản xuất.

Bốn là: Thực hiện một cách rộng mở giao lưu và hợp tác quốc tế; thu hút đầu tư và phát triển thị trường.

Năm là: Nghiên cứu để vận dụng những tri thức, giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam vào sản phẩm, hàng hoá, khẳng định thương hiệu CNVH Việt Nam.

Phóng viên: Nếu được góp một ý kiến tâm huyết cho Hội thảo Văn hoá năm 2022, ông có thể nói điều gì?

TS.Trần Minh Chính: Trong Hội thảo Văn hoá năm 2022, tôi đặc biệt quan tâm đến Hệ thống thiết chế văn hoá… Đây cũng là một vấn đề lớn của văn hoá. Tôi sẽ cố gắng dành tâm huyết của mình cho vấn đề này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan