ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2030: TẠO KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN VÀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

06/12/2022

Tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 6/12, các đại biểu đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

HƠN 1 TRIỆU CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CẢ NƯỚC THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TW ĐẢNG KHÓA XIII

Toàn cảnh hội nghị

Khẳng định việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước

Cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã điểm lại 8 kết quả nổi bật trong quá trình phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước thời gian qua: Phát triển vùng đã có bước chuyển biến, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho đất nước, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ, mở rộng và tăng đa dạng sinh học.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Trong đó, không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, hạ tầng năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế. Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Các đại biểu dự hội nghị

Từ những phân tích trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong tổ chức không gian phát triển đất nước. Trong đó nhấn mạnh, phải coi trọng công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phải đi trước, được xây dựng theo cách tiếp cận tích hợp, tổng thể, phối hợp đa ngành, hài hòa lợi ích giữa các ngành, vùng, địa phương, lấy lợi ích quốc gia là cao nhất. Phát triển phải dựa trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, địa phương trong tổng thể cả nước.

Quan điểm về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Làm rõ quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, có 5 quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, bao gồm: Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển gồm: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn; phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời.

Hình thành các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã đưa ra các định hướng phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng về tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển không gian biển; sử dụng đất quốc gia; khai thác và sử dụng vùng trời; phân vùng, phát triển liên kết vùng; phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia; sử dụng tài nguyên; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu quốc phòng an ninh.

Nguồn lực, cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, dự kiến huy động tối đa các nguồn lực bao gồm: nguồn lực nhà nước; đầu tư tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; vay vốn nước ngoài với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, hiệu quả.

Về cơ chế, chính sách, tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng; các hành lang kinh tế; quan tâm phát triển các vùng khó khăn; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính.

Về giải pháp, xây dựng và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế để huy động sự tham gia, ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế; tổ chức tốt việc thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Bảo Yến - Phạm Thắng