TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM
PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN THỊ MAI HOA: CẦN NGUỒN LỰC THỎA ĐÁNG ĐỂ PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM ĐẠT HIỆU QUẢ LÂU BỀN
Bất cập dạy bơi, nghìn trẻ đuối nước
Thời gian qua, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành 3 văn bản luật có nội dung liên quan đến phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; Chính phủ ban hành 2 nghị định xử phạt vi phạm hành chính, 2 Quyết định phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và nhiều văn bản chỉ đạo.
Toàn cảnh Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em
Từ thực tế khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại 6 tỉnh, thành phố: Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, An Giang, Nam Định, Yên Bái, cho thấy, địa phương đã quan tâm ban hành các văn bản để cụ thể hóa, triển khai các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Đặc biệt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn chuyên môn và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong cả nước thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em. Các bộ, ngành có liên quan, các địa phương trong toàn quốc theo chức năng đã phối hợp tích cực triển khai nhiều hoạt động đạt hiệu quả, xây dựng được những mô hình tốt phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tuy nhiên, trước thực trạng tử vong do đuối nước trẻ em còn cao. Theo Kết quả khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” (giai đoạn 2016-2021), tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tồn tại một số hạn chế, khó khăn, thách thức: Một số văn bản pháp luật chưa có quy định riêng về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, việc dạy bơi cho trẻ em các địa phương, đặc biệt dạy bơi trong các trường học còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi. Tại nhiều trường phổ thông đã được lắp đặt bể bơi nhưng thiếu các yếu tố bảo đảm, khó khăn trong vận hành, hiệu suất sử dụng thấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư; một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả...
Học bơi – Giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ đuối nước là phổ cập dạy bơi cho trẻ. Theo ông, việc làm cấp thiết là cần hoàn thiện và chuẩn hóa tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, an toàn trong môi trường nước trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tế triển khai tại địa phương, các mô hình thí điểm và khuyến nghị của quốc tế. Phổ biến hướng dẫn trên toàn quốc. Nghiên cứu ban hành các hướng dẫn sử dụng bể bơi thông minh, dạy bơi ở vùng nước mở và phổ biến trên toàn quốc. Nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy định để đảm bảo thuận lợi cho việc dậy bơi trong trường học đối với các trường học đã được lắp đặt bể bơi.
Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đặng Hoa Nam
Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định cho tới nay, dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống đuối nước, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Tại Trung Quốc, để phòng chống đuối nước có hiệu quả, chuyên gia khuyến cáo rằng dạy bơi trong trường học phải được đưa thành môn học giáo dục thể chất bắt buộc cho học sinh. Các nghiên cứu đã chứng minh ở các nước vùng nông thôn của Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Philippines, Malaysia dạy bơi cho trẻ em là biện pháp làm giảm nguy cơ đuối nước.
Để phòng, chống đuối nước một cách lâu dài, mang tính gốc rễ, các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, cần có chủ trương, đề án riêng về xây dựng bể bơi, tổ chức chương trình dạy bơi và các kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích đuối nước trong trường học. Đó là giải pháp căn cơ, lâu dài và hết sức cần thiết. Bơi không chỉ là môn thể thao tốt nhất trong các môn thể thao giúp rèn luyện, vận động một cách toàn diện về thân thể mà còn là phương pháp để phòng vệ cho con trẻ tránh bị đuối nước.
Trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, cần có chủ trương, đề án cụ thể, chi tiết việc xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng bể bơi là giải pháp tối ưu. Trước hết, ngành giáo dục cần chuẩn bị xây dựng đề án xã hội hoá bể bơi và chương trình dạy bơi cho học sinh trong trường học nhằm tiến dần đến đưa môn bơi trở thành một môn phổ cập trong chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, để phòng, chống đuối nước trẻ em hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó quan trọng, cần huy động được nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đạt hiệu quả lâu bền, hướng tới sự công bằng cho trẻ em ở tất cả vùng miền trong cả nước. Các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu bố trí ngân sách và ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em đạt kết quả cao hơn.
Thêm 2,1 triệu USD hỗ trợ từ Campaign For Tobacco-Free Kids
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao Chương trình đuối nước cho trẻ em Việt Nam được triển khai bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Campaign For Tobacco Free Kids (Đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu), Hoa Kỳ từ năm 2018 cùng sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ.
Hơn 4 năm qua, chương trình đã dạy bơi miễn phí cho hơn 29.000 trẻ em từ 6-15 tuổi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho gần 50.000 trẻ em tại trường học, nâng cao kiến thức cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ về các biện pháp an toàn, phòng chống đuối nước, xây lắp và huy động sử dụng 87 bể bơi tại trường học.
Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) Đoàn Thu Huyền
Chương trình được triển khai tại 32 huyện của 12 tỉnh có gánh nặng đuối nước trẻ em cao nhất trên cả nước. Theo kết quả đánh giá độc lập của chương trình, tỷ lệ biết bơi của trẻ em tại địa bàn can thiệp đã tăng gấp 2 lần, từ 14,7% năm 2018 lên 27% năm 2020, cao hơn so với tỉ lệ trung bình của toàn quốc. Tỉ lệ đuối nước ở trẻ em giảm 30% có ý nghĩa thống kê. Điểm đặc biệt của chương trình chính là giải pháp toàn diện, không chỉ dạy bơi cho trẻ mà còn trang bị kỹ năng nổi và kiến thức an toàn. Đây là một trong những khuyến nghị về Phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cũng tại Hội thảo này, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) khẳng định tuyên bố: Tổ chức Campaign For Tobacco Free Kids, sẽ hỗ trợ bổ sung 2,1 triệu USD để triển khai chương trình Việt Nam. Theo đó, mở rộng địa bàn can thiệp tại 16 tỉnh dạy bơi miễn phí cho trẻ em Việt Nam thành phố và dạy bơi cho hơn 25.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn cho 50.000 trẻ em trong giai đoạn 2023- 2025./.