LUẬT THANH TRA 2022 - NHIỀU ĐIỂM MỚI NHẰM KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ NHỮNG VƯỚNG MẮC, TRÙNG LẶP TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

09/12/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Với gồm 8 Chương, 118 Điều, Luật Thanh tra năm 2022 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.

HỌP BÁO CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CÔNG BỐ 06 LUẬT ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Luật Thanh tra 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đến nay Luật Thanh tra chưa có những quy định cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, cụ thể như: Tổ chức thanh tra chưa phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là công cụ đắc lực của cơ quan quản lý và việc phân cấp, phân quyền, tự chủ của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức cơ quan thanh tra.

Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ giữa thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý; sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước còn khá phổ biến. Quy định hình thức thanh tra, thời hạn thanh tra là chưa phù hợp; việc ban hành Kết luận thanh tra còn chậm so với quy định. Việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện kiến nghị trong các Kết luận thanh tra còn hạn chế, bất cập; hiệu quả thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích vẫn còn thấp do chưa quy định cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là những người đứng đầu. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết, nhằm thể chế điểm của Đảng, Hiến quan pháp năm 2013 về công tác thanh tra, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Luật Thanh tra năm 2022 có 08 chương với 118 Điều với những điểm mới cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về việc thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ: Luật cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong các trường hợp sau: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.

Thứ hai, về việc thành lập Thanh tra sở: Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với biên chế, khối lượng việc được giao, bảo đảm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Luật quy định linh hoạt về việc thành lập Thanh tra sở.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giới thiệu Luật Thanh tra năm 2022

Theo đó, Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp: Theo quy định của luật. Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Thứ ba, về hoạt động thanh tra: Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ. Một số quy định trước đây về hoạt động thanh tra trong các văn bản dưới luật, qua thực tiễn áp dụng có hiệu quả đã được nâng lên thành quy định của luật để nâng cao hiệu lực cũng như tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng.

Thứ tư, quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra: Nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tính khả thi của các Kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ về việc thẩm định Kết luận thanh tra. Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức và nguồn lực của các cơ quan thanh tra, Luật quy định việc thẩm định là thủ tục bắt buộc đối với dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; đối với dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra cũng là một trong những nội dung mới của Luật nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra. Luật quy định giám sát là trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra cử người thực hiện giám sát hoặc thành lập Tổ giám sát để bảo đảm cuộc thanh tra được tiến hành đúng nội dung, phạm vi, thời gian thanh tra.

Thứ năm, về việc ban hành Kết luận thành tra: Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Luật đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra. Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

 

Thứ sáu, về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước: Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định đầy đủ, cụ thể để xử lý vấn đề này. Theo đó, xử lý chồng chéo, trùng lặp từ khâu lập kế hoạch. Nếu như trước kia việc lập kế hoạch còn mang tính riêng rẽ, độc lập thì nay kế hoạch thanh tra được tập trung về các đầu mối theo hướng mỗi Bộ có một kế hoạch thanh tra chung của Bộ (gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ và kế hoạch thanh tra của Tổng cục, cục thuộc Bộ); mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra chung của tỉnh (gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở và kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện).

Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra: Luật đã quy định một điều về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong nhiều trường hợp cụ thể giữa các cơ quan thanh tra theo hướng khi xảy ra chồng chéo thì có sự bàn bạc, trao đổi, nếu không thống nhất được thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ tiến hành thanh tra.

Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thông qua việc tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, việc tham khảo, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán.

Thứ bảy, chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022. Hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022./.

Bảo Yến