QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 13/12/2022

13/12/2022

“Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động giám sát của đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số…” là những thông tin đáng chú ý về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày 13/12/2022.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 12/12/2022

* Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những nội dung quan trọng của phiên họp này cũng là nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội là lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một nội dung trọng tâm của công tác lập pháp trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do vậy, việc xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là khâu hết sức quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch về vấn đề này trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định, bao gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và nội dung khác nếu có.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức một phiên họp chia thành 2 đợt; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kĩ lưỡng, phát biểu trách nhiệm.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ, THỰC CHẤT NHẤT, HIỆU QUẢ NHẤT TRONG LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN

* 8h00 ngày 13/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp này. Hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, bảo đảm đúng quy định, đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp, đảm bảo tất cả các ý kiến phát biểu đều phải được tiếp thu và giải trình một cách có căn cứ pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT SÁNG 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ ĐIỀU TẠI PHÁP LỆNH (SỬA ĐỔI) VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TAND

* Sáng 13/12, tại phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó có quy định về chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị và chất lượng dự án Pháp lệnh. Các cơ quan cơ bản thống nhất các nội dung và đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp lần này. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của Tòa án và Ủy ban Tư pháp đề nghị cho giữ như Pháp lệnh năm 2014; đồng thời nhấn mạnh quy định này phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế về vấn đề đối với người chưa thành niên như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GIỮ NGUYÊN QUY ĐỊNH VỀ CHỈ ĐỊNH LUẬT SƯ THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

*Sáng 13/12, theo chương trình phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua với sự thống nhất cao về Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Pháp lệnh tại phiên họp này theo quy trình tại một phiên họp; đồng thời nhấn mạnh thêm, ngoài sự cần thiết như Tờ trình đã nêu thì việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này còn kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, góp phần xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh và có chất lượng.

Sau khi cho ý kiến, với sự thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) và nhất trí về nguyên tắc về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh để hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 12/2022.

Xem nội dung chi tiết tại đây: UBTVQH THÔNG QUA PHÁP LỆNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN (SỬA ĐỔI)

* Tiếp tục chương trình Phiên họp 18, chiều ngày 13/12, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương bổ sung nhiều nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý; xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương trình Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2021, đưa nội dung này vào Nghị quyết về một số nội dung liên quan đến ngân sách của Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương thống nhất toàn bộ số liệu với Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt lưu ý các khoản viện trợ phát sinh năm 2019 trở về trước chưa có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu trình Quốc hội. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT CHIỀU 13/12: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN, QUYẾT ĐỊNH VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Chiều 13/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó quy định lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 30/01/2023 đến 15/3/20203. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân.

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận làm rõ sự cần thiết phải lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến Nhân dân; việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Đặc biệt là đơn vị làm đầu mối trong tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)...

Xem nội dung chi tiết tại đây: UBTVQH NHẤT TRÍ TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TỪ 30/01/2023 ĐẾN 15/3/2023

* Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ths.Nguyễn Thị Mai Hiên, Bộ NN & PTNN kiến nghị, bổ sung quy định về vị trí, tính chất của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên chuyển mục đích sử dụng đất là hoạt động mang tính điều chỉnh về đất đai. Hoạt động này được thực hiện khi tình hình kinh tế, xã hội có sự biến đổi làm nhu cầu sử dụng đất có sự biến động.

Để chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải thực hiện 2 bước: thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo pháp luật về đất đai.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THS. NGUYỄN THỊ MAI HIÊN: BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Quan tâm đến việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Do đó, việc lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, đảm bảo tính thực chất, khách quan.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Việc tổ chức lấy kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật là vô cùng cần thiết. Bởi đây, là dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến toàn bộ người dân.

Thông qua việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật; tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Bên cạnh đó, cũng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

Để đảm bảo hiệu quả trong việc lấy ý kiến Nhân dân, GS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng vấn đề xác định nội dung, phương thức lấy ý kiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nội dung lấy ý kiến Nhân dân cần phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG: LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) – SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ QUAN TRỌNG

* Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân nên thực hiện theo nhiều đợt, nhiều tầng lớp để việc tổng hợp, đánh giá, ghi nhận được chính xác và hiệu quả hơn.

Theo Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật, Luật đất đai là một trong những luật đặc biệt quan trọng gắn liền với đời sống mọi mặt của người dân cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội. Việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng các quy định pháp luật đất đai – ảnh hưởng “sát sườn” nhất đền quyền lợi của Nhân dân.

Việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm như các quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai trong đó đặc biệt các quy định liên quan đến chính sách sử dụng đất; chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; việc thu hồi đất để thực hiện các dự án. Ngoài ra, cần lấy ý kiến của Nhân dân về các vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giá đất, khung giá đất…

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ GIANG VĂN QUYẾT: VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) NÊN THỰC HIỆN THEO NHIỀU ĐỢT, NHIỀU TẦNG LỚP

* Ngày 17/12 tới đây, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ được tổ chức với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Quan tâm tới sự kiện quan trọng này, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng, bên cạnh nguồn lực kinh tế, tài nguyên, tài chính… nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để phát huy hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các bộ, ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cần xác định nguồn lực bao gồm nguồn lực vật chất và phi vật chất; các nguồn lực này cần được quan tâm, phát huy đồng thời, đồng bộ và tối ưu hóa. Đồng thời, quan tâm cả nguồn lực bên trong và nguồn lực từ bên ngoài, nhưng cần xác định nội lực là chính, trước hết, từ nội lực mạnh để kết nối, phát huy ngoại lực, phải nội lực hóa các nguồn ngoại lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, để khai thác, phát huy, sử dụng các nguồn lực cần bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, nuôi dưỡng, trong đó, cần xác định rõ đâu là các nguồn lực trực tiếp, nguồn lực lâu dài, đâu là tiềm lực, tiềm năng. Do đó, khai thác nguồn lực một cách bền vững gắn với giữ gìn tài nguyên, nuôi dưỡng các nguồn lực và bảo vệ môi trường chính là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bền vững, hướng tới mục tiêu chung đã được ghi trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CON NGƯỜI LÀ NGUỒN LỰC QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

* Ngày 13 - 14/12, tại Hòa Bình, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động giám sát của đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số.

Hội nghị tập huấn nhằm thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2022, những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện; đồng thời cung cấp kỹ năng thu thập thông tin, phân tích, đánh giá chính sách trong tổ chức hoạt động giám sát, mục đích, yêu cầu và kế hoạch thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đã thông tin tổng quan tới các đại biểu về việc triển khai và kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong hai năm 2021 – 2022. Theo đó, đến thời điểm này, việc triển khai các Chương trình vẫn rất chậm. Hầu hết các dự án, tiểu dự án mới bắt đầu được tổ chức thực hiện. Tính đến tháng 10.2022, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương vẫn đang hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán và phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Cũng trong tháng 10/2022, văn bản hướng dẫn của Trung ương mới cơ bản hoàn thành.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TẬP HUẤN KỸ NĂNG GIÁM SÁT CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

* Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện cuộc giám sát chuyên đề về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” tại thị xã Điện Bàn.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận những vướng mắc tại Điện Bàn; đồng thời chia sẻ khó khăn trong quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 bởi đặc thù Điện Bàn là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp. Đại biểu Dương Văn Phước yêu cầu đoàn giám sát tiếp thu, phân tích các nhóm đề xuất của địa phương và sẽ có ý kiến tại các cuộc họp Quốc hội sắp tới…

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI THỊ XÃ ĐIỆN BÀN

*Sáng 13/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng CSXH trong thực hiện Nghị quyết số 43; về nguồn vốn, sử dụng vốn; việc phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với Chương trình; hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; những kiến nghị, đề xuất của đơn vị...

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của Ngân hàng CSXH tỉnh trong công tác chủ động, tích cực tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH GIÁM SÁT TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH

* Sáng 13/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển khai cuộc giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (SGK GDPT) tại huyện Phú Vang.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thị Sửu chia sẻ với những khó khăn tồn tại của huyện Phú Vang trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội như: cơ sở vật chất còn thiếu, diện tích trường học còn chật hẹp, vẫn còn lớp học ghép, thiếu tài liệu giảng dạy… Đồng thời, ghi nhận mặc dù là huyện ven biển và đầm phá có một số xã bãi ngang, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn những đã có những kết quả khả quan trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; đánh giá cao công tác quy hoạch mạng lưới trường học, cấp học.

Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thị Sửu đề nghị huyện Phú Vang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK theo Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục rà soát, bố trí nhân lực, nguồn ngân sách hợp lý để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; đồng thời, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ cho các trường.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIÁM SÁT TẠI HUYỆN PHÚ VANG

Thu Phương

Các bài viết khác